Dạo này đến công ty thấy Thảo ủ rũ, mệt mỏi, tôi gặng hỏi cô nàng mới thở dài thườn thượt: “Này, cậu đừng bao giờ nghĩ rằng trẻ con không biết gì mà dẫn tới cảnh khổ sở như mình”. Hỏi mãi rồi cô bạn mới kể câu chuyện “coi thường” con trẻ của mình.
Chẳng là Thảo ở cùng bố mẹ chồng, mẹ chồng đã nghỉ hưu, chồng có một cô em gái đã lập gia đình ở cách đó cũng hơn chục cây số. Đợt này ngày hè, Thắm - em gái của chồng - cho con về nhà ông bà ngoại chơi hè.
Thật ra thì hai vợ chồng cô em phải đi làm suốt, không có thời gian trông con nên mang về nhà ngoại để còn có thời gian đi làm, thành ra Thảo tự nhiên thêm việc. Vì muộn con nên vợ chồng Thắm chiều con lắm, vậy nên con bé mới lên 5 nhưng nghịch ngợm như con trai, ương bướng, khó bảo.
Thảo vẫn cứ cố gắng vui vẻ gồng mình lên lo lắng chu toàn cho cả ba đứa vừa con vừa cháu và dù quan tâm đến cháu hơn thì vẫn bị mẹ chồng than thở thiên vị. Bởi đứa cháu quậy phá, luôn giành đồ và phá hỏng đồ chơi của anh chị nhưng khi hỏi đến thì lại khóc toáng lên “ăn vạ” bà ngoại.
Vì quá mệt mỏi, trong một lần bạn đến chơi Thảo có than thở việc mẹ chồng bên trọng bên khinh chỉ biết cháu ngoại không thấy cháu nội cũng đang rất buồn, rồi có bảo cô em gái là không biết điều, đã lấy chồng rồi còn đem con về để Thảo phải trông.
Không ngờ những lời ấy từng câu từng chữ được đứa bé lên 5 đem về mách bà, mách mẹ vậy là mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu, chị dâu, em chồng đẩy lên đỉnh điểm. Mà lỗi thì cũng chỉ là do Thảo cứ nghĩ rằng “trẻ con không biết gì” nên tha hồ mà nói.
Chuyện mẹ chồng nàng dâu, chị em chồng nhiều khi xích mích chỉ vì lời nói vô ý của con trẻ.
Không giống Thảo, cô Tuyến thì vô tình “nói xấu” con rể, khiến đứa cháu nhỏ mới lên 6 ghi nhớ và về mách bố thành ra cuộc hôn nhân của con gái cô đang trên bờ vực thẳm. Chẳng là con rể dạo này làm ăn thua lỗ, trước khi đầu tư cô Tuyến đã khuyên con đừng làm nhưng con rể vẫn cố làm vậy là thất bại.
Trước mặt con rể cô Tuyến không dám trách nhưng đằng sau thì có dùng nhiều lời lẽ không hay mắng con rể “bất tài, vô dụng, ngu si”, đứa cháu nghe thấy liền về mách bố, vậy là hai vợ chồng người con cãi nhau.
Đừng bao giờ nghĩ rằng “trẻ con không biết gì”
Khi trẻ bắt đầu phát triển tư duy ngôn ngữ cũng là lúc trẻ bắt đầu học cách diễn đạt tất cả những gì tiếp nhận được bằng ngôn ngữ. Nhất là trẻ ở độ tuổi lên 5 lên 6 thì việc ghi nhớ và diễn đạt lại sự việc được diễn ra một cách mạnh mẽ nhất.
Điều này chứng tỏ vì sao trên thế giới cũng như ở nước ta các nhà khoa học khuyến khích cha mẹ nên để trẻ bắt đầu cho trẻ đi học trong độ tuổi 5-6 tuổi.
Đôi khi, người lớn “quên mất” rằng trẻ “đã lớn”, đã có khả năng ghi nhớ và kể lại câu chuyện nên có nhiều chuyện không nên đã nói trước mặt trẻ. Lúc này trẻ chưa phân biệt được đúng sai sẽ phản ánh lại câu chuyện với người mà trẻ cảm thấy thân thiết, khi đó sẽ có nhiều điều không hay xảy ra.
Chưa kể đến bộ não non nớt của trẻ chưa biết tiếp nhận sàng lọc sẽ học tất cả mọi thông tin khiến trẻ học nhiều những câu “chửi thề, nguyền rủa” và cả thái độ “cay nghiệt” của người lớn. Những trẻ ở lâu trong môi trường như vậy sẽ sinh ra tính hằn học, cộc cằn, khó dạy bảo.
Chỉ vì chủ quan cho rằng trẻ con không biết gì nhiều cha mẹ đã phải lãnh đủ hậu quả.
Bởi vậy, những bậc phụ huynh nên chú ý theo dõi sự phát triển của trẻ để có hướng giáo dục tốt nhất, đồng thời có những câu chuyện phù hợp để nói trước mặt trẻ. Hơn nữa, cha mẹ phải thường xuyên uốn nắn, dạy dỗ con tiếp nhận những kiến thức tốt, loại bỏ những điều không phù hợp để con trưởng thành mạnh khỏe.