Dư luận kỳ vọng thêm những mùa thi nghiêm túc, nhẹ nhàng

GD&TĐ - Sau chuẩn bị kỹ lưỡng là thành công bước đầu của Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đây là sự kiện giáo dục lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm tuần qua, bên cạnh danh sách Tổ tư vấn của UB quốc gia Đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2021 được công bố và nhiều thông tin GD quan trọng khác.

Dư luận kỳ vọng thêm những mùa thi nghiêm túc, nhẹ nhàng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Họp báo sau kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Họp báo sau kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019

Một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng

“Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng”. Đó là thông tin được công bố tại họp báo sau kết thúc công tác coi thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 27/6, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì.

Qua kiểm tra trực tiếp của Bộ GD&ĐT tại các hội đồng thi vừa qua, có thể thấy tất cả những chỉ đạo của Bộ đã được các địa phương nghiêm túc triển khai. Việc phối hợp giữa các địa phương và các trường ĐH cũng rất suôn sẻ, trách nhiệm cao. Bước đầu cho thấy từ đề thi, cách thức tổ chức, công tác phối hợp, hậu cần,… đều đã được triển khai theo đúng kế hoạch.
Ông Nguyễn Huy Bằng (Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT)

Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ khâu chấm thi. Bởi đây cũng là một trong những khâu vô cùng quan trọn làm nên thành công trọn vẹn của một kỳ thi.

Theo đó, để Kỳ thi được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, công bằng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 Hội đồng thi.

Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi.

Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đảm bảo đúng quy chế, trong đó tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của các thí sinh.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường ĐH, CĐ chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại các địa phương theo đúng quy trình theo Quy chế đã ban hành, đảm bảo chính xác, an toàn và đúng tiến độ.

Theo chia sẻ của ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) tại họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: “Mục tiêu tối thượng của Kỳ thi là an toàn, nghiêm túc, chính xác.”

Qua kỳ thi, nhiều phụ huynh bày tỏ hài lòng và mong muốn duy trì kỳ thi THPT quốc gia “nhẹ nhàng”. Nhiều phụ huynh khen kỳ thi nghiêm túc, chu đáo, các lực lượng tham gia phối hợp tốt, các con phấn khởi.

Ảnh: Phú Xuân
Ảnh: Phú Xuân 

Công bố điểm thi THPT quốc gia 2019 vào 14/7

Để phục vụ công tác chấm thi, nhiều tỉnh thành đã chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn cán bộ, sẵn sàng chấm thi, đảm bảo kịp thời gian công bố kết quả vào ngày 14/7. Trong đó, một trong những giải pháp nhiều địa phương áp dụng là lắp camera, thiết bị phá sóng tại khu vực chấm thi.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, các trường đều phải đảm bảo hoàn tất theo đúng lịch chung Bộ đã đặt ra, dù tiến độ chấm thi có thể khác nhau nhưng các trường đều phải công bố điểm vào ngày 14/7, không tỉnh thành nào được công bố trước hay sau mốc này.

Bộ GD&ĐT cũng quy định, chậm nhất ngày 11/7 các trường chấm thi trắc nghiệm xong và gửi về Bộ kết quả chấm trắc nghiệm sau khi chấm chính thức.

“Thống nhất thời điểm công bố điểm thi sẽ giúp đảm bảo tính chính xác, toàn diện, bảo mật của cơ sở dữ liệu điểm thi cả nước" - ông Trinh nhấn mạnh.

Các thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021
Các thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021

Thành lập Tổ tư vấn của UB quốc gia Đổi mới GD&ĐT

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 782/QĐ-TTg thành lập Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021.

Theo đó, Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 do GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện là giảng viên cao cấp của đơn vị này làm tổ trưởng. Trẻ nhất trong số này là anh Trần Việt Hùng, một gương mặt quen thuộc của giới khởi nghiệp, một trong những Founder Việt hiếm hoi tại Silicon Valley của Mỹ

Các thành viên tham gia tổ tư vấn gồm:

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện là giảng viên cao cấp ĐH Đà Nẵng.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, TP. Hà Nội.

Ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập và Chủ tịch Got It.

Ông Vũ Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ.

Tổ tư vấn có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, khảo sát, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan và các cơ sở giáo dục và đào tạo để nắm tình hình và tư vấn, kiến nghị với Hội đồng, Ủy ban các vấn đề đổi mới giáo dục và đào tạo; tham gia góp ý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.