Du học sinh chật vật với học online

Du học sinh chật vật với học online

Tuy nhiên, du học sinh (DHS) ở lại nước ngoài cũng căng thẳng không kém khi học trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát khắp nơi.

Khổ vì lệch múi giờ

Đức Minh, DHS tại New York (Hoa Kỳ) nhận được thông báo của nhà trường về việc chuyển sang học online đến hết học kỳ II. Cũng theo thông báo này, sinh viên bản địa không quay lại trường, còn sinh viên quốc tế được phép chọn về Việt Nam hay tiếp tục ở lại Mỹ. Không có sự ưu ái nào cho sinh viên quốc tế trong việc học online, kể cả khi rời Mỹ về quê nhà nhưng Minh vẫn lựa chọn về nước dù biết học online lệch múi giờ rất mệt.

Về quê hương khi thời gian học ở các trường nước ngoài vẫn tiếp diễn, DHS từ các nước lệch múi giờ với Việt Nam phải bắt nhịp việc học trực tuyến để không lỡ buổi học, môn, thậm chí là thời gian tốt nghiệp. Ngay khi tới khu cách ly tập trung, DHS không muốn gián đoạn việc học đã phải tìm cách kết nối mạng, học online ngay lập tức.

Tuy nhiên, quá trình học này không đơn giản bởi chênh lệch múi giờ. Tại Mỹ, khi giờ học trực tuyến bắt đầu lại là ban đêm hoặc 2 - 3 giờ sáng ở Việt Nam. Còn DHS từ Australia về lại phải thức dậy từ 4 – 5 giờ để bắt đầu buổi học. Những HS ở châu Âu về cũng gặp khó khăn tương tự khi học trực tuyến... Điều này khiến DHS cảm thấy mệt mỏi.

Chị Hoàng Oanh (TPHCM) có con từ Mỹ về chia sẻ: Việc học trực tuyến gian nan với tình trạng ngày ngủ, đêm thức. DHS học lệch múi giờ, thậm chí làm bài thi vào ban đêm, tờ mờ sáng, đói bụng lúc học khiến tinh thần, thể trạng càng thêm mệt mỏi. Theo chị Oanh, gia đình chỉ có thể động viên con học, chứ không giúp đỡ được gì.

Theo Science ABC, hội chứng lệch múi giờ là sự mất điều hòa các nhịp điệu sinh học của cơ thể, nhất là về thói quen ăn, ngủ, khi cơ thể chưa kịp thích ứng. Hội chứng lệch múi giờ còn có thể ảnh hưởng đến chu kỳ thân nhiệt, hormone bên trong cơ thể. Bên cạnh vấn đề sức khỏe vì ngày ngủ, đêm thức online, hay phải dậy khi trời chưa sáng để học, có DHS còn lo đang làm bài thi bị mất mạng Internet, đang học bị ngắt tín hiệu đường truyền do khoảng cách địa lý và chất lượng đường truyền... 

“Các bậc phụ huynh luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất cho các con của mình. Tôi cũng biết nhiều người lo ngại con cái sẽ bị tụt hậu trong bối cảnh các trường học đóng cửa. Chương trình “Học tại gia” không thay thế cho trường học, nhưng đem đến một phương án tốt cho hoàn cảnh đóng cửa trường học hiện nay”, ông Doug Ford (Thủ hiến tỉnh bang Ontario, Canada) chia sẻ.

Ở lại cũng nhiều mối lo

Du học sinh chật vật với học online ảnh 1
Góc sinh hoạt của du học sinh ở khu cách ly tập trung. Ảnh: ITN

Đại sứ quán Việt Nam tại Australia trong một thông báo vào tháng 3 cho biết, Bộ Di trú nước này chưa có chính sách riêng cho DHS trong thời kỳ dịch Covid-19. Do đó, Đại sứ quán khuyến cáo DHS: “Bạn cần nghiên cứu kỹ các điều khoản du học và tham khảo trường nơi đang theo học trước khi quyết định về nước, tránh gặp rủi ro bị hủy visa du học”.

Nhiều DHS ở Australia đã không về nước, tuy nhiên, không phải ai ở lại cũng thuận lợi trong việc học online. DHS Nguyễn Thùy Trang (Sydney, Australia) cho biết: “Từ khi trường quyết định cho SV học online, một số bạn đã tạm ngừng việc học, bảo lưu và chờ khi được học trực tiếp trở lại.  

Những SV chấp nhận học online cũng rất mệt vì chưa quen với việc ôm máy tính suốt từ sáng đến tối để học. Nhiều ngày liền trong tình trạng căng thẳng nhìn vào màn hình học trực tuyến, rồi tối lại làm nhiều bài tập. Có hôm đứng dậy hoa mắt, chóng mặt. Nếu 2 - 4 tháng tới, trường tiếp tục dạy trực tuyến có thể nhiều SV cân nhắc xem bảo lưu để chờ đến lúc được học trực tiếp hay chấp nhận tiếp tục học online”.

Thậm chí, mẹ của Trang, người có 3 con đang đi học các trường học tại Australia cho biết chưa nhận được sự hỗ trợ, giảm học phí nào từ các nhà trường, dù tất cả đã chuyển sang dạy và học trực tuyến.

Theo Trang, bố mẹ sẽ cân nhắc có tiếp tục học online hay không sau khi em hoàn thành nốt học kỳ đang dang dở, vì gia đình Trang cho rằng, học online không thể hiệu quả bằng học trực tiếp, lãng phí mục đích cho con du học của gia đình.

Sự căng thẳng cũng diễn ra khi DHS nhận được thông báo của nhiều trường học về việc yêu cầu SV nội trú thu xếp chỗ ở khác, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 lây lan trong khuôn viên của trường... Điển hình, ĐH Wilfrid Laurier (Ontario, Canada) đã đóng cửa ký túc xá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, kể cả khi chưa xuất hiện ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nào trong SV của trường. Chỉ những SV quốc tế, SV đang sống xa nhà mới được gia hạn thêm thời gian để tìm nơi ở mới. 

DHS học online mệt mỏi, cộng với căng thẳng do lo lắng chỗ ở trong ký túc xá sẽ thay đổi, thậm chí có thể phải tìm nơi ở mới nếu ký túc xá đóng cửa, khiến cho chị Thu Hằng (Hà Nội) đang phải từng ngày dõi theo tin tức của con trai học năm thứ nhất ĐH ở Mỹ. “Con ở trong phòng ký túc xá học online, chỉ rời phòng khi đến giờ lấy đồ ăn ở căng tin của nhà trường. Nhưng nếu phải rời ký túc xá không biết sẽ phải làm sao, khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ đang căng thẳng, không có chuyến bay nào về Việt Nam”, chị Thu Hằng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.