Dự án ảo, hệ lụy thật
Tưởng chừng như cuộc đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sẽ thay đổi, khi có dự án đầu tư hơn 70 tỷ đồng về thực hiện ngay trên mảnh đất còn nghèo khó này. Nhưng rồi, 7 năm nay, họ phải chịu những hệ lụy rất lớn từ dự án mang lại.
Theo giấy phép kinh doanh, Công ty Đồng Xanh được thành lập ngày 7/12/2004, trụ sở đóng tại đường Trường Chinh, TP Pleiku do ông Phạm Văn Khoa (quốc tịch Úc) làm chủ tịch HĐQT với 100% vốn nước ngoài.
Năm 2008, khi làm giấy phép đầu tư Công ty Đồng Xanh, “nhà đầu tư” đã vẽ lên một dự án như mơ ở một vùng đất nghèo và ngay lập tức được UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép. Dự án với tổng vốn đầu tư là 4,5 triệu USD, diện tích đất được cấp là gần 200 ha.
Theo lộ trình, giai đoạn 2005 - 2007, doanh nghiệp này đầu tư hệ thống văn phòng làm việc, xây dựng đồng cỏ, chuồng trại đảm bảo quy mô nuôi 1.242 con bò sữa, 1.984 con bò thịt, 2.747 con dê.
Từ năm 2007 trở về sau sẽ đầu tư xây dựng hệ thống giết mổ và máy chế biến thực phẩm; hệ thống vắt sữa tự động; nhà máy đóng sữa tươi và kho hộp; nhà máy chế biến thức ăn gia súc… giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động.
Ban đầu, công ty đã liên tiếp tổ chức họp dân. Tất cả các vấn đề của người dân lo ngại như đền bù đất đai, ảnh hưởng của dự án đến môi trường, công ăn việc làm của con em khi đất bị thu hồi đều được ông Phạm Văn Khoa gật đầu hứa hẹn.
Người dân và chính quyền địa phương vì vậy mà ủng hộ, tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai. Nhưng chờ mãi, dự án vẫn án binh bất động.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng trên vùng quy hoạch của “dự án triệu đô”, ông Siu Thuyn - Chủ tịch xã – thở dài chỉ vào khu vực mương dẫn nước của dự án: “Mới đầu, họ cho đào một đường mương bao quanh dự án để thoát nước.
Đào xong mương, chưa xây dựng gì đã ngừng thi công. Điều đáng nói, điểm cuối của đường mương này lại xả nước vào cánh đồng lúa và rẫy cà phê của 3 thôn trong xã. Thiệt hại của bà con thì khó mà đo đếm được trong hơn 7 năm qua”.
Nguy hiểm hơn là hệ thống đường mương đã bị xói lở. Nhiều điểm tạo thành những hố sâu trên 15 m, bề rộng gần 20 m, khi mưa xuống trở thành cái bẫy chết người. Ông Siu Blêng (59 tuổi), người dân trong làng, không nén nổi sự bức xúc:
“Tôi có đất nằm trong dự án, khi dự án triển khai tôi đã giao đất cho họ và chỉ nhận có 300.000 tiền đền bù. Tôi lúc đầu đi họp nghe họ nói sẽ tạo công ăn việc làm cũng thuận tai nên sẵn sàng nhường đất. Đất thì đã giao, số đất còn lại bị nước ở con mương trong dự án xả vào, khiến bao nhiêu cây cối gia đình tôi trồng trên đó chết hết”.
Nhiều nghi vấn về “nhà đầu tư”
Rời khu vực đường mương thoát nước, ông Siu Thuyn dẫn chúng tôi lại địa điểm vốn được quy hoạch là cổng vào của dự án “triệu đô” này. Nhìn từ xa, trông như dấu vết còn lại của một phế tích lâu năm.
Đường vào không có, căn nhà nhỏ có lẽ định dành cho bảo vệ cũng bị bỏ hoang. Nhưng mỉa mai nhất là bức điêu khắc 3 con bò bằng… đá, đứng thong dong mé cổng nhìn ra bãi đất lổn nhổn và hoang phế, lác đác những đoạn tường bao đã bắt đầu sụp đổ do nền đất yếu (mà cũng do cả người dân bức xúc vào phá để lấy đường cho gia súc vào chăn thả).
Ông Siu Thuyn lại thở dài ngán ngẩm: “Cái cổng với mấy con bò đá này được họ dựng lên khoảng cuối năm 2010 đầu 2011, tức là sau 3 năm khi dự án được cấp phép và gần 2 năm sau khi họ giải phóng mặt bằng.
Dân chúng tôi vẫn đùa: Thì thật là có bò đấy thôi, nhưng là bò… đá. Đúng là tức như bò đá. Sau đấy, họ lại án binh bất động cho đến giờ. Nghe nói cũng ít lâu sau mấy con bò đá này xuất hiện, UBND tỉnh cũng thu hồi giấy phép dự án luôn rồi”.
Điều oái ăm là khi vẽ lên dự án này, ông Phạm Văn Khoa ngoài cái mác Việt kiều, còn lại dường như không hề có một đồng vốn nào để rót vào Công ty Đồng Xanh do chính ông ta thành lập. Bà Lê Thị Tuyết Hà, người dân trong xã, cho biết:
“Khi bắt đầu dự án, ông Khoa có đến gặp tôi, mời gọi tôi bỏ vốn làm cổ đông. Thấy dự án lớn lại được tỉnh cấp phép thế là tôi gom vốn lại cùng đầu tư. Tôi được ông Khoa bổ nhiệm chức Phó Giám đốc. Mỗi lần ông Khoa về nước ông ấy không có tiền tôi bỏ tiền ra thuê xe, thuê khách sạn, lo ăn uống hết.
Tiền tôi góp đã lên đến tiền tỷ. Khi tôi nhận ra ông Khoa không có khả năng thì cũng là lúc ông ấy đã cao chạy xa bay. Cái Công ty Đồng Xanh cũng… xanh cỏ luôn với dự án ảo này”.
Dù dự án đã bị thu hồi giấy phép, chủ đầu tư sau khi không đạt được mục đích (lập dự án ma để kêu gọi vốn chăng?) cũng cao chạy xa bay, nhưng đến nay, 200 ha trong dự án vẫn đang là đất hoang, không được trả lại cho người dân; trong khi đó, người dân địa phương vẫn thiếu đất chăn nuôi và sản xuất.
Đặc biệt hơn, hoa màu của bà con nằm cạnh đường mương của dự án, hàng năm vẫn phải chịu thiệt hại vì nước xả xuống. Đến nay, trách nhiệm giải quyết lại không còn ở nhà đầu tư nữa mà đã thuộc về các cấp chính quyền địa phương, để người dân giảm bớt thiệt hại về siêu dự án ảo này.