Dự án phát triển giáo dục THPT kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới

Dự án phát triển giáo dục THPT kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới

(GD&TĐ)-Sau 6 năm triển khai hoạt động, Dự án phát triển giáo dục THPT đã đạt được những kết quả quan trọng, là nền tảng tạo nên chất lượng giáo dục THPT cao, bền vững.

Những thành quả dự án đã được đưa ra tại hội nghị tổng kết dự án Phát triển giáo dục THPT diễn ra sáng nay (8/4) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Dự án phát triển giáo dục THPT vay vốn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) được triển khai theo hiệp định tính dụng kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng ADB nhằm mục tiêu góp phần xóa đói giảm nghèo ở nước ta thông qua phát triển và cải thiện giáo dục THPT.

Dự án được triển khai với 3 thành phần cơ bản là hỗ trợ các điều kiện cải thiện chất lượng giáo dục THPT thông qua hỗ trợ thí điểm và triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học THPT mới; nâng cao cơ hội tiếp cận, tính công bằng và sự tham gia giáo dục THPT ở các vùng khó khăn và tăng cường quản lý giáo dục THPT thông qua nghiên cứu, thí điểm 6 sáng kiến về phân cấp quản lý và ứng dụng CNTT trong quản lý. Kết quả, đến nay, dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhiều chỉ tiêu đã vượt thiết kế ban đầu.

Có thể nhắc đến những con số ấn tượng mà dự án đạt được. Đó là 22 tỉnh khó khăn được thụ hưởng dự án;  2441 phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, máy tính, phòng ở nội trú được xây dựng; 205 trường THPT được trang bị đồ gỗ; 203 trường được xây mới; 128 trường chuẩn, 22 trường PTDTNT, 3 trường chuẩn quốc tế, 38 trung tâm KTTH-HN-DN, 5 trường THPT kỹ thuật thí điểm, 4 trường thực hành sư phạm, 70 trường THPT thí điểm được cung cấp trang thiết bị; 64 sở GD&ĐT được trang bị thiết bị EMIS; 71.530 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng tập huấn kiến thức và nghiệp vụ quản lý, dạy học ở cấp trung ương; 83.824 giáo viên ở cơ sở được bồi dưỡng từ giáo viên cốt cán; cung cấp hàng triệu cuốn sách, tài liệu các loại phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới...

Nói về dấu ấn quan trọng nhất của dự án, Ông Trần Như Tỉnh – Vụ trưởng, Trưởng ban điều hành dự án khẳng định, dự án đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và cộng đồng về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục THPT trong tình hình mới, đặc biệt với các vùng khó. Đó là năng lực quản lý, năng lực giảng dạy cần được nâng cao, là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học cần được tăng cường, là sự tham gia của cả cộng đồng xã hội.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, dự án phát triển giáo dục THPT ra đời đúng vào giai đoạn đổi mới chương trình giáo dục THPT nên kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới và sớm phát huy hiệu quả, tác động. Dự án đã tác động toàn diện vào đổi mới chương trình giáo dục THPT như hỗ trợ quá trình triển khai thí điểm, triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường THPT nhất là các trường ở 22 tỉnh vùng núi, vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn; bồi dưỡng tăng cường năng lực cho giáo viên, tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục THPT.

Tuy nhiên, nói như ông Trần Như Tỉnh, những kết quả đạt được của dự án mới chỉ là đòn bẩy để Nhà nước tiếp tục đầu tư thì mới hoàn thiện, nhân rộng và phát huy hiệu quả của dự án. Các nghiên cứu thí điểm về quản lý giáo dục THPT cũng mới chỉ là bước đầu, cần được ứng dụng vào thực tiễn, tiếp tục nghiên cứu và mở rộng thêm ...

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ