(GD&TĐ) - Dự án “Quản lý chất thải vật nuôi ở Đông Á - LWMEA” do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ. Dự án được tiến hành ở 3 nước: Việt nam, Thái Lan và Trung Quốc, từ tháng 9/2006 đến tháng 6/2011.
Ở Việt Nam, khoản tài trợ này được thực hiện sau khi Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ký kết và có hiệu lực, từ tháng 9 năm 2006. Dự án được thực hiện ở các huyện Thường Tín, Ba Vì, Sơn Tây và Thạch Thất (Hà Nội) và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Mục tiêu của Dự án là nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và sức khoẻ của người dân đang gia tăng rất nhanh ở các vùng chăn nuôi tập trung gần các nguồn nước. Nhờ đó sẽ giữ cho nguồn nước mặt, nước ngầm không bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, đồng thời góp phần làm giảm đi một cách rõ rệt các bệnh truyền nhiễm, bênh giun sán ký sinh đường ruột cho con người cũng như đối với vật nuôi. Lợi ích cho môi trường toàn cầu mà dự án đem lại là giảm ô nhiễm đất, suy giảm môi trường ở vùng biển Đông và Vịnh Thái Lan.
Hệ thống biogas ở Đồng Nai |
Cho đến nay, Dự án đã xây dựng được 14 hệ thống biogas với 2 loại công nghệ: Trung Quốc và Cover lagoon tại Hà Nội và Đồng Nai. Các hệ thống này vận hành đã mang lại lợi ích quan trọng cho các trại chăn nuôi.
Ngoài lợi ích về môi trường, các hệ thống biogas còn cung cấp khí gas đun nấu và phát điện, tiết kiệm đáng kể chi phí sinh hoạt cho các trại. Tại Hà Nội, hệ thống công nghệ Cover Iagoon đã được xây dựng ở Thanh Oai và hệ thống công nghệ Trung Quốc đã được xây dựng ở Sơn Tây.
Nguyễn Thị Minh Hoạt