Dự án của Tập đoàn DOJI đẩy nông dân mất đất đến đường cùng

Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên ở tỉnh Vĩnh Phúc của Tập đoàn DOJI đang gặp phải sự phản đối của nhiều hộ nông dân mất đất.

Phối cảnh siêu dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên giai đoạn 3 của Tập đoàn DOJI. Ảnh: DJ.

Phối cảnh siêu dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên giai đoạn 3 của Tập đoàn DOJI. Ảnh: DJ.

Siêu dự án của Tập đoàn DOJI lấy đất lúa của dân với giá 60.000 đồng/m2

Năm 2015, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (giai đoạn 3) cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI (Tập đoàn DOJI) trên diện tích 70,68 ha tại các phường Đồng Tâm, Hội Hợp (Thành phố Vĩnh Yên) và xã Đồng Cương (huyện Yên Lạc).

Khái toán tổng mức đầu tư của dự án là 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020. Quy mô nhằm xây dựng 301 căn nhà ở kết hợp thương mại, 185 căn liền kề, 121 căn biệt thự đơn lập, 272 căn nhà ở xã hội thấp tầng, 2 tòa chung cư cao tầng và 4 công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ…

Tại quyết định chấp thuận đầu tư, văn bản do ông Vũ Chí Giang ký cũng yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT về việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa để thực hiện dự án theo quy định.

Theo quy định, tỉnh Vĩnh Phúc muốn chuyển đổi, thu hồi để giao cho doanh nghiệp phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới được Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên trên diện tích 12 ha tại xã Đồng Cương và 35 ha tại các phường Đồng Tâm và Hội Hợp.

Đến ngày 17/7/2017, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc chấp thuận các công trình, dự án thực hiện thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết nghị chấp thuận dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên với diện tích 59,04 ha tại phường Đồng Tâm và Hội Hợp và 12 ha tại xã Đồng Cương.

Đã quá thời hạn hoàn thành hơn một năm so với kế hoạch, dự án của Tập đoàn DOJI vẫn còn là bãi hoang. Ảnh: LAT.

Đã quá thời hạn hoàn thành hơn một năm so với kế hoạch, dự án của Tập đoàn DOJI vẫn còn là bãi hoang. Ảnh: LAT.

Trong vòng hai năm 2017 và 2018, các cấp chính quyền ở Vĩnh Phúc lần lượt ban hành các quyết định thu hồi đất lúa của nông dân để giao cho Chủ đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên.

Tại xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, có hơn 114.000 m2, phần lớn là ruộng của hơn 200 hộ dân nằm trong vùng dự án được phê duyệt phương án bồi thường với đơn giá 60.000 đồng/m2. Trong khi đó ở Thành phố Vĩnh Yên thu hồi khoảng 400.000m2 đất của người dân.

Đất ruộng đó của người dân Đồng Cương vốn được Nhà nước giao trồng lúa theo Nghị định 64/NĐ-CP từ năm 1993 của Chính phủ. Tự bao đời nay họ bán mặt cho đất bán lưng cho trời để sản xuất nông nghiệp, để dồn điền đổi thửa, để phát triển mô hình VAC, phát triển kinh tế hộ gia đình… Nay bỗng dưng dự án về thu hồi, nhận thấy nguy cơ mất đất, nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong quá trình thu hồi ruộng của người dân giao cho dự án, nhiều hộ dân ở Đồng Cương đã quyết định chưa nhận tiền đền bù mà khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.

Trong đơn thư gửi đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, những người dân mất đất ở xã Đồng Cương viết, họ là những công dân luôn chấp hành, ủng hộ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, đã từng hiến rất nhiều đất để xây dựng các công trình phúc lợi, tuy nhiên, đối với Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, các cấp chính quyền ở Vĩnh Phúc đã thu hồi, cưỡng chế đất lúa của người dân giao cho chủ đầu tư dự án đang có những điểm chưa phù hợp quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo hồ sơ, tài liệu chúng tôi có được, hầu hết diện tích đất bị thu hồi để thực hiện dự án của Tập đoàn DOJI là đất trồng lúa.

Ngày 7/4/2015 Bộ Tài nguyên –  Môi trường có văn bản gửi Thủ tướng về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Phụ lục kèm theo văn bản thể hiện, dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên sử dụng 35 ha đất, trong đó có 18 ha đất trồng lúa phải xin Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi.

Từ những căn cứ trên, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Văn Hùng đã ký các quyết định 196/QĐ/UBND ngày 26/1/2018 và quyết định 1320/QĐ/UBND ngày 9/5/2018 để thu hồi hơn 114.000 m2 của các hộ dân ở xã Đồng Cương. Khi nhiều hộ dân mất đất không đồng ý với các quyết định này và phản ứng bằng việc không nhận tiền đền bù, vào các ngày 8/9 và 11/9/2020 huyện Yên Lạc đã tổ chức cưỡng chế ở thôn Vật Cách.

Những người nông dân Đồng Cương cho rằng, các quyết định của Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc là chưa đủ căn cứ pháp lý. Ảnh: LAT.

Những người nông dân Đồng Cương cho rằng, các quyết định của Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc là chưa đủ căn cứ pháp lý. Ảnh: LAT.

Yêu cầu Chủ tịch huyện giải quyết tố cáo Chủ tịch huyện?

Bà Phùng Thị Nga, một chủ trang trại ở thôn Vật Cách, xã Đồng Cương, người đang phản đối những khuất tất tại dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên phân tích: Theo quy định của Luật Đất đai, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngày 10/5/2018 Thủ tướng mới ký Nghị quyết về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi có Nghị quyết của Thủ tướng thì Vĩnh Phúc mới lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại đây, dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên mới được đưa vào danh mục với diện tích 70,68 ha. Điều này có nghĩa là Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc đã ký các quyết định thu hồi đất nêu trên trước khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Mặt khác, theo Điều 53 Luật Đất đai, việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.

Ngày 11/4/2019, ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định giao 103.935,9 m2 đất tại xã Đồng Cương cho Tập đoàn DOJI và yêu cầu DOJI tiếp tục phối hợp hoàn thiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định đối với diện tích đất còn lại trên phạm vi khu đất thực hiện dự án.

Điều này có nghĩa là tỉnh Vĩnh Phúc không bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp để tiến hành các thủ tục thuê đất mà lại “kéo” doanh nghiệp tham gia giải phóng mặt bằng. Cả năm trời sau quyết định giao đất của UBND tỉnh, huyện Yên Lạc tiếp tục quyết định cưỡng chế thu hồi đất trước bức xúc của nhân dân. Họ cho rằng, việc chính quyền thu hồi đất lúa của người dân với mức giá 60.000 đồng/m2 là rẻ mạt.

Căn cứ vào những nội dung trên, những người dân ở Đồng Cương, Đồng Tâm, Hội Hợp đề nghị làm rõ về trình tự pháp lý thu hồi đất của người dân để giao cho Tập đoàn DOJI. Khi chưa làm rõ thì họ nhất quyết không chấp thuận phương án đền bù hỗ trợ và tiếp tục phản đối dự án.

Ngày 11/1/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trả đơn bà Phùng Thị Nga và các hộ dân và hướng dẫn gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc. “Chúng tôi đang tố cáo Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại yêu cầu gửi đơn đến đó để giải quyết, thật không hiểu nổi”, bà Phùng Thị Nga bức xúc.

Hiện trạng siêu dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên của Tập đoàn DOJI. Ảnh: LAT.

Hiện trạng siêu dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên của Tập đoàn DOJI. Ảnh: LAT.

Có lẽ đó lý do mà khi ký quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, thời gian thực hiện dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn và hoàn thành vào quý 4/2020 nhưng đến thời điểm này dự án của Tập đoàn DOJI vẫn còn là bãi đất hoang. Chủ đầu tư dự án đã cho quây tôn toàn bộ những cánh đồng lúa, hồ nuôi thủy sản của người dân trước đây.

Theo nongnghiep.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.