Chia sẻ thành tích đáng tự hào của nhà trường, thạc sĩ, HIệu trưởng Nguyễn Văn Định cho biết: Chỉ tính từ năm học 2002 - 2003 đến hết năm học 2013 - 2014, trường đã có 297 học sinh giỏi cấp tỉnh, 21 học sinh giỏi cấp khu vực, 15 học sinh giỏi cấp quốc gia, nhiều đoàn viên được nhận giải thưởng Lí Tự Trọng, học bổng Nguyễn Thái Bình...
Hiện, Trường THPT Tháp Mười đã có 16,63 % giáo viên trên chuẩn, trong đó có 2 nghiên cứu sinh, 89 lượt giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 3 cán bộ - giáo viên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 2 cán bộ quản lý được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, một nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT. .
Điều đáng ghi nhận ở ngôi trường này là, khi có một trường THPT được thành lập mới ở huyện Tháp Mười thì Sở GD&ĐT Đồng Tháp lại điều động cán bộ lãnh đạo của trường THPT Tháp Mười đến đảm nhận cương vị hiệu trưởng.
Để có được thành quả ngày hôm nay, những thầy cô giáo của Trường THPT Tháp Mười đã phải trải qua vô vàn khó khăn.
Là hiệu trưởng đầu tiên của trường, thầy Phan Minh Diệu nhớ lại: Khoảng hơn 10 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, nghe nói đến Mỹ An, nghe nói đến Đồng Tháp Mười là ai cũng sợ.
Điều kiện hồi đó vô cùng khó khăn, việc đi lại chủ yếu bằng phương tiện thủy. Mỗi khi đi công tác ở thị xã Sa Đéc, phải mất ngủ tới 2 đêm vì tàu từ Mỹ An đi Sa Đéc và ngược lại đều xuất bến vào lúc 1 giờ sáng.
Tôi còn nhớ mãi cảnh Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình về thăm trường vào năm 1983, anh Lê Vũ Hùng – Chánh Văn phòng UBND tỉnh (đã mất) tháp tùng hướng dẫn đoàn, phải mang theo mấy buồng dừa để uống vì không dám để Bộ Trưởng uống nước lắng phèn đun sôi.
Đại diện cho thế hệ thầy cô giáo Trường THPT Tháp Mười hôm nay, thầy Nguyễn Văn Định cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, yếu tố vô cùng quan trọng là công tác thi đua và vai trò nêu gương của người lãnh đạo.
Theo đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người làm công tác quản lý giáo dục, người lãnh đạo phải tuyệt đối không được áp đặt. Nếu không làm được điều đó thì bao giờ cũng đứng sau lưng cán bộ, giáo viên.
"Để mọi người cống hiến hết mình cho công việc thì công tác thi đua, khen thưởng phải đảm bảo công bằng, chính xác và kịp thời. Người tham gia thi đua không sợ mình được khen thưởng nhiều hay ít, cao hay thấp, mà điều họ sợ nhất là không công bằng!" - thầy Nguyễn Văn Định chia sẻ.