Đồng Tháp: Chung tay tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020

GD&TĐ - Sáng 12/11, tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã diễn ra Hội thảo Góp ý dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020.

Cá tra....
Cá tra....
Con số thống kê cho thấy, trong 5 năm qua (2011 - 2015), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Đồng Tháp ước đạt 9,5%/năm. GDP bình quân đầu người ước đạt 13,4 triệu đồng (1.212 USD), gấp 1,55 lần năm 2010. 

Sản lượng lúa ước đạt 3,2 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 466 ngàn tấn; kim ngạch xuất khẩu 751 triệu USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo 55,5%, trong đó đào tạo nghề đạt 40,0%; bình quân 1 vạn dân có 6,1 bác sĩ và 24 giường bệnh; tỷ lệ đô thị hoá 32,8%.

Hằng năm giải quyết việc làm cho 33.220 lao động và giảm 2,13% hộ nghèo. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Tỉnh, ước đến năm 2015 có: 17/21 chỉ tiêu vượt và đạt, 4/21 chỉ tiêu không đạt (tăng trưởng kinh tế, GDP/người, cơ cấu kinh tế, tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch). 

Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới (2016 - 2020), tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,0%/năm, trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 4,3%/năm, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11%/năm (công nghiệp tăng 11,1%%, xây dựng tăng 11%), khu vực thương mại - dịch vụ tăng 7,1%/năm. GRDP/người 56,7 triệu đồng (2.362 USD).

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) - cho biết: Đồng Tháp được Trung ương chọn làm thí điểm triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các định hướng phát triển nên đặt trong bối cảnh của toàn vùng. 

Trong đó, cần chú trọng liên kết với Campuchia, Lào và cả khu vực ĐBSCL để phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt cần phát huy và làm rõ những điều kiện tự nhiên cũng như thế mạnh của tỉnh. 

....quýt hồng là một trong những sản phẩm thế mạnh của Đồng Tháp
  ....quýt hồng là một trong những sản phẩm thế mạnh của Đồng Tháp

PGS.TS Lê Văn Hòa - Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết thêm: Đồng Tháp hiện có nhiều mô hình đa dạng như: Vườn Quốc gia Tràm Chim thu hút du lịch. Đặc biệt, từ hạt lúa Đồng Tháp đã chế biến ra những những sản phẩm bột làm bánh rất nổi tiếng. 

Do vậy, trong định hướng sắp tới cần tập trung vào phát triển giống để nâng tầm chất lượng các sản phẩm từ lúa, quan trọng nhất là cần làm theo chuỗi ngành hàng, kết hợp du lịch để du khách có thể tham quan chuỗi chế biến.

Cũng theo ông Hòa, TP Sa Đéc là nơi sản xuất hoa kiểng có giá trị lớn cũng là thế mạnh của tỉnh, cần tập trung đầu tư phát triển hiệu quả. Ngoài ra, cần tận dụng lợi thế của các loại trái cây đặc sản như: Quýt hồng Lai Vung để phát triển mô hình du lịch theo mùa, không nên làm tràn lan…

Nói về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 – 2020, TS Dương Nhựt Long - Trưởng Bộ môn Nuôi trồng Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ) - đề xuất: Cá tra và tôm càng xanh là thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, nhưng trong dự thảo lại ít đề cập đến việc phát triển hai lĩnh vực này. Đây là vấn đề cần xem xét lại. 

“Trong dự thảo các sản phẩm chủ lực của Đồng Tháp chưa đa dạng, nhưng tôi nhận thấy, các sản phẩm này không hề ít, thậm chí là rất nhiều so với các địa phương hoặc các nước trên thế giới như: gạo, cá tra, tôm, quýt hồng, hoa kiểng… có chăng, chúng ta chưa đầu tư đầy đủ để phát triển hiệu quả…” - Ông Long nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ