Đồng Nai: Nỗ lực chăm lo để tất cả công nhân lao động đều có Tết

GD&TĐ - Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, song chính quyền tỉnh Đồng Nai sớm triển khai kế hoạch tập trung các nguồn lực chăm lo Tết cho công nhân lao động cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đồng Nai hy vọng người lao động đón Tết vui vẻ, trọn vẹn.
Đồng Nai hy vọng người lao động đón Tết vui vẻ, trọn vẹn.

Bằng sự quan tâm sát sao, chia sẻ, với cách làm cụ thể, thiết thực, cấp ủy, chính quyền, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai hy vọng tất cả công nhân lao động (CNLĐ) đều có Tết ý nghĩa, ấm áp, đúng như tinh thần chủ đề “Tết sum vầy - Xuân bình an” mà Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai.

Với hơn 600.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đây sẽ là cái Tết đầu tiên trong điều kiện “bình thường mới”, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. LĐLĐ tỉnh đã yêu cầu các cấp Công đoàn xây dựng kịch bản chăm lo tết cho người lao động phù hợp từng cấp độ và quy định phòng chống dịch của địa phương.

Chăm lo tết cho người lao động phù hợp quy định phòng chống dịch địa phương
Chăm lo tết cho người lao động phù hợp quy định phòng chống dịch địa phương

Hướng tới phương châm tất cả đoàn viên và người lao động đều có tết, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai dự kiến tăng số lượng và mở rộng đối tượng được hỗ trợ.

Theo đó, LĐLĐ tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt (trị giá 300.000 đồng/người) cho khoảng 800.000 đoàn viên và người lao động. Ngoài ra, hỗ trợ thêm 100.000 phần quà khác cho đối tượng là đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 200.000 đồng/phần/người. Tổ chức công đoàn cũng tặng quà cho gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 800.000 đồng/phần.

Trong thời gian thực hiện đến hết ngày 31-1-2022 (tức ngày 29 tháng chạp), các cấp Công đoàn sẽ tổ chức chương trình trực tuyến “Tết Sum vầy - Xuân bình an” và nhiều hoạt động vui xuân, họp mặt, thăm, tặng quà động viên, chúc tết đoàn viên, CNLĐ, nhất là các trường hợp: bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, mất việc làm đột ngột trong dịp tết, nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình, hoặc CNLĐ tăng ca lao động sản xuất ngay những ngày tết.

Tổ chức công đoàn cũng dành sự quan tâm ưu tiên đối với công nhân lao động ở trong khu cách ly, phong tỏa, mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong khi đó, các hoạt động trong những dịp Tết trước đây vẫn được tiếp tục đẩy mạnh như: biểu diễn văn hóa, thể thao, mua sắm, vui chơi giải trí cho đoàn viên, NLĐ tại các địa phương, khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, doanh nghiệp.

Riêng những anh chị em muốn đoàn tụ vui xuân cùng gia đình, người thân, các Công đoàn cơ sở chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ; phối hợp người sử dụng lao động hỗ trợ vé xe, hợp đồng xe đưa, đón công nhân trước và sau tết, để tạo điều kiện cho họ về quê an toàn. 

Chăm lo cho công nhân về quê
 Chăm lo cho công nhân về quê

Bám sát kế hoạch của công đoàn cấp trên, đa số công đoàn cơ sở đang tăng cường phối hợp với chủ doanh nghiệp thực hiện kế hoạch khôi phục sản xuất và đảm bảo ổn định việc làm, thu nhập cho CNLĐ.

Đại diện nhiều đơn vị công đoàn khẳng định sẽ nỗ lực thương lượng để người sử dụng lao động có tiền thưởng, đi kèm với các khoản phúc lợi khác cho công nhân trong dịp Tết. Trường hợp doanh nghiệp đang chật vật sản xuất kinh doanh, các “thủ lĩnh” công đoàn cơ sở cho biết sẽ đề xuất, kiến nghị hợp lý để CNLĐ được thanh toán tiền lương đầy đủ trong dịp Tết. Đây cũng là cách doanh nghiệp giữ chân người lao động trước và sau Tết. 

Tuy nhiên, việc công bố kế hoạch cụ thể mức lương, thưởng tết năm nay ở đa số doanh nghiệp sẽ chậm hơn mọi năm.

Bên cạnh hoạt động trực tiếp chăm lo Tết, các cấp Công đoàn cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách và tiền lương, thưởng cuối năm ở doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của CNLĐ, nhất là xảy ra trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc công ty giải thể, phá sản.

Mặt khác, các cấp công đoàn vận động CNLĐ cảm thông, thấu hiểu, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...