Donald Trump bán vũ khí bằng mọi giá?

Bất chấp tính mạng dân thường, Tổng thống Donald Trump vẫn quyết định tăng số lượng vũ khí Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài dù không ít khu vực đang có xung đột.

Chiến đấu cơ tối tân F-16 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất.
Chiến đấu cơ tối tân F-16 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất.

Theo tờ Guardian, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định bán lô vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Bahrain. Động thái này của Mỹ đã khiến các nhóm đối lập dòng Shia và các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế lên án mạnh mẽ.

Song việc Mỹ bán 19 chiến đấu cơ tối tân F-16 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất cho Bahrain cũng đã phần nào cho thấy vì lợi nhuận, Washington sẵn sàng xuất khẩu các loại vũ khí hiện đại sang những khu vực vốn đang trong tình trạng bất ổn an ninh. Thậm chí, Mỹ có thể trở thành nguyên nhân khiến một số khu vực rơi vào cảnh chạy đua vũ trang.

Trước đó vào năm 2016, cựu Tổng thống Barack Obama đã từ chối thương vụ bán vũ khí cho Bahrain do quan ngại về việc quốc gia này vi phạm nhân quyền.

Trong khi đó, quyết định bán vũ khí cho Bahrain của Tổng thống Trump lại phản ánh sự ưu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc tăng cường quan hệ với chính phủ các nước do người Sunni cầm quyền ở vùng Vịnh để cùng tham gia cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Ngoài ra, Mỹ cũng như lôi kéo thêm đồng minh tiếp tục đối đầu với người Shia ở Iran.

Bahrain hiện là nơi hoạt động của hạm đội số 5 của Mỹ. Ngoài ra, kể từ năm 2011, Anh cũng đã cho xây dựng một căn cứ hải quân ở Bahrain và duy trì hoạt động xuất khẩu vũ khí sang quốc gia này trị giá lên tới 45 triệu bảng.

Thậm chí, bỏ qua những quan ngại về vấn đề nhân quyền, ông Trump còn đang có ý định mở rộng hoạt động xuất khẩu vũ khí cho Ả Rập Xê-út.

Trước đó, ông Obama từng từ chối bán lô đạn trị giá 300 triệu USD cho Ả Rập Xê-út vì lo ngại số đạn này sẽ được sử dụng ở Yemen. Đây chính là nơi liên quân của Ả Rập Xê-út đang chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy Houthi được Iran hậu thuẫn.

Trong khi đó, bản báo cáo hồi tháng Một của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhấn mạnh các lực lượng Ả Rập Xê-út dưới sự hỗ trợ của máy bay không người lái của Mỹ, liên tiếp vướng phải cáo buộc tiến hành nhiều đợt không kích khiến hàng trăm dân thường Yemen thiệt mạng và bị thương. Thậm chí, một số vụ tấn công đã phạm phải “tội ác chiến tranh”.

Tuy nhiên, không chỉ ông Trump mà cả chính phủ Anh cũng đang tìm cách chống đỡ trước sức ép của Quốc hội về việc dừng các thương vụ xuất khẩu vũ khí cho Ả Rập Xê-út. Trong khi quốc gia này được xem là khách hàng lớn nhất của Anh.

Theo LHQ, cuộc chiến của liên quân Ả Rập Xê-út ở Yemen đang bước sang năm thứ ba với số người chết đã lên tới 10.000 dân thường và đẩy Yemen đứng trước bờ vực rơi vào nạn đói.

Việc ông Trump được cho là bất chấp tính mạng dân thường bị đe dọa để tiếp tục tăng số lượng xuất khẩu vũ khí Mỹ có thể sẽ lại tái diễn trong cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi vào tháng Tư ở Washington.

Theo đó, ông Trump và ông Sisi nhiều khả năng sẽ khẳng định cam kết tăng cường quan hệ chống khủng bố giữa hai nước bằng cách tăng sự hỗ trợ từ quân đội Mỹ với Ai Cập mà hiện thời đang ở mức 1,3 tỷ USD/năm.

Ngoài ra, ông Trump còn có thể tăng số lượng vũ khí Mỹ xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới. Dù Đức một quốc gia thành viên NATO giống như Mỹ, đã ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông Trump và các cố vấn muốn nhận được sự ủng hộ của Ankara trong cuộc chiến chống IS cũng như biến Thổ Nhĩ Kỳ thành vùng đệm để đối phó với Iran.

Và nếu trong tháng Tư, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan giành được đa số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý kéo dài thời gian lãnh đạo đất nước, chắc chắn, một quan chức Nhà Trắng sẽ tới thăm Ankara đồng thời tăng số lượng vũ khí Mỹ xuất sang quốc gia này. Đây sẽ là tin xấu đối với những người mang tư tưởng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các tay súng người Kurd ở Syria.

Còn tại châu Á, ông Trump tỏ ra dường như không một chút do dự khi quyết định triển khai những thiết bị đầu tiên thuộc Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc hồi đầu tháng Ba.

Mỹ nhấn mạnh THAAD là vũ khí ngăn chặn mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên. Song Trung Quốc lại cho rằng sự xuất hiện của THAAD sẽ làm thay đổi cán cân chiến lược trong khu vực cũng như tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong đó có cả Nhật Bản.

Chưa dừng lại, ông Trump còn có ý định bán vũ khí cho Đài Loan bao gồm rocket và tên lửa chống hạm nhằm ngăn chặn nguy cơ bị Trung Quốc tấn công sáp nhập. Trong khi đó, lâu nay, Bắc Kinh chỉ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.

Theo Guardian, kế hoạch tăng số lượng vũ khí xuất khẩu ra nước ngoài của ông Trump song hành với cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ về việc tăng chi tiêu cho Lầu Năm Góc thêm 54 tỷ USD.

Ngoài ra, nếu như các thành viên NATO đáp ứng được yêu cầu của Tổng thống Trump về việc tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP, mỗi năm, chi tiêu quân sự của liên minh này sẽ tăng thêm 100 tỷ USD. Và 20% số tiền này sẽ được dùng để mua vũ khí mới. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho ngành sản xuất vũ khí của Mỹ.

Theo Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ