Khu rừng rậm nguyên sinh Rùm Đuôn - Chàng Riệc sát biên giới Campuchia thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh), hơn 45 năm trước đã nổi danh là vùng thánh địa cách mạng. Vùng đất lịch sử này, nay là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia cấp đặc biệt Trung ương Cục miền Nam (TƯCMN), hàng năm thu hút khoảng nửa triệu du khách đến tham quan.
Những trang sử oai hùng
Thực hiện chủ trương chiến lược của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II và Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (3/1951): TƯCMN ra đời, thay cho Xứ ủy Nam Bộ đã tồn tại từ năm 1946. Bí thư Trung ương Cục là đồng chí Lê Duẩn (vốn là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ). Năm 1954, để phù hợp với diễn biến đấu tranh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giải thể TƯCMN và lập lại Xứ ủy Nam Bộ.
Tuy nhiên năm 1961, căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp ngày 23/1/1961 đã quyết định thành lập TƯCMN. TƯCMN đầu tiên đóng tại Mã Đà, chiến khu Đ, đến tháng 2/1961 chuyển về Bắc Tây Ninh với tên hiệu là Cục R, trải qua nhiều lần di chuyển và xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Không chỉ có xứ dừa nổi tiếng Bến Tre vang dội là quê hương “Đồng khởi”, mà sát quốc lộ 22B, rìa TP Tây Ninh (cách di tích căn cứ TƯCMN hơn 60 cây số về phía Nam), còn có di tích cách mạng nổi tiếng “Đồng khởi Tua Hai” - một trang sử chống Mỹ bất diệt của quân và dân Tây Ninh năm 1960.
Rạng sáng 26/1/1960, sau vài giờ chiến đấu quyết liệt, khoảng 200 quân ta với số ít dùng vũ khí tự tạo súng “ngựa trời”, bộc phá, còn lại dùng dao, kiếm, gậy tầm vông, đã làm chủ căn cứ Tua Hai, diệt hơn 400 tên địch, bắt sống gần 500 tên, thu gần 2.000 súng các loại. Căn cứ Tua Hai là nơi đóng quân của Sư đoàn 21 chủ lực của chính quyền Sài Gòn, đồng thời là trung tâm huấn luyện biệt kích, có kho vũ khí lớn…
Lịch sử 21 năm (1954 - 1975) kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta có biết bao chiến công bất hủ. Trong đó, quân - dân Tây Ninh có quyền tự hào về một chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đánh Mỹ diễn ra năm 1972. Ngày 22/2/1972, quân Mỹ mở cuộc càn quét có tên “Junction City” với mục đích “Tìm và Diệt” quy mô lớn nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phạm vi cuộc càn quét này hơn 1.500 km2 (gồm toàn bộ địa bàn nay thuộc 2 huyện biên giới Tân Biên và Tân Châu phía Bắc tỉnh Tây Ninh ngày nay). Bấy giờ đây là nơi đóng quân của toàn bộ các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam, trong đó trọng điểm là căn cứ TƯCMN.
Quân Mỹ đã ném vào chiến trường này trên 45.000 lính Mỹ thiện chiến nhất, như Sư đoàn bộ binh (SĐBB) số 1 - “Anh Cả Đỏ”; SĐBB số 25 - “Tia chớp nhiệt đới”; SĐBB số 4 và số 9; các Lữ đoàn (LĐ) bộ binh số 196; LĐ dù số 173; LĐ thủy quân lục chiến Sài Gòn; 4 Tiểu đoàn biệt kích; cùng với trên 10.000 lính địa phương quân yểm trợ…
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trực tiếp chống lại kẻ thù chỉ có SĐBB số 9 chủ lực, cùng với các lực lượng hỗ trợ như bộ đội địa phương, dân quân, du kích chưa tới 10.000 người. Sau 53 ngày đêm quyết tử, kẻ thù đã thảm bại. Ta loại khỏi vòng chiến 14.233 tên địch, phá hủy 992 xe quân sự, bắn rơi 160 máy bay, phá hỏng 112 khẩu pháo… Trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh… Toàn bộ các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam vẫn đứng vững.
Trên đường về thăm di tích TƯCMN, đến xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên sát quốc lộ 22B (cách TƯCMN gần 30 km về phía Tây Nam), du khách không thể nào quên Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82. Đây là nơi yên nghỉ của gần 14.000 liệt sĩ đã hy sinh trong chống Pháp, chống Mỹ và chống quân Pol Pot xâm lược.
Tại đây có Khu mộ và Khu tưởng niệm 621 nhà giáo - liệt sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc, đã ngã xuống trong 3 cuộc chiến tranh khốc liệt nói trên. Trên văn bia tưởng niệm có lưu bài điếu rất xúc động của Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, trong đó có câu khắc họa hình tượng các nhà giáo - liệt sĩ hết sức cao đẹp: “...Hiến dâng cho nước: Sống đã vinh mà thác cũng vinh/ Hết dạ vì dân: Mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ...”. Mỗi năm gần đây, có hơn 40 đoàn đại biểu trong - ngoài ngành Giáo dục và khoảng 5.000 thân nhân các nhà giáo - liệt sĩ đến đây thăm viếng.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Cuối quốc lộ 22B là Cửa khẩu quốc tế Sa Mát (thuộc xã Tân Lập, Tân Biên) sang tỉnh Kongpongcham, Campuchia. Khu kinh tế cửa khẩu này hàng năm giải quyết được việc làm cho vài nghìn người dân Tân Biên.
Đến cửa khẩu này rẽ phải, xuyên rừng nguyên sinh Rùm Đuôn - Chàng Riệc 18 km, bạn sẽ đến trung tâm căn cứ TƯCMN khi xưa (được mệnh danh là “Thánh địa” cách mạng miền Nam thời chống Mỹ). Không khí trong lành, mát rượi, đủ các loại hoa rừng khoe sắc, đua hương. Nhiều loại thú rừng hoang dã (chồn, cheo, sóc, khỉ...), lâu lâu phóng ngang con đường xuyên rừng, nhìn du khách như muốn dò hỏi điều gì đó...
Anh Cao Tiến Phương, cán bộ Khu di tích TƯCMN cho biết: “Hiện nay đường vào khu di tích trải nhựa tốt, xe cộ thuận lợi. Khu di tích được cải tạo, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, đủ sức phục vụ nhu cầu thăm viếng, tham quan, chụp ảnh, ăn uống, nghỉ ngơi trong ngày cho tất cả du khách.
Một năm, chúng tôi đón tiếp khoảng dăm chục nghìn người (cả khách quốc tế) tìm về. Không chỉ thăm viếng, nhiều đoàn khách trẻ còn tổ chức tại di tích TƯCMN lễ kết nạp Đảng – Đoàn - Đội, chương trình “Về nguồn” tưởng nhớ các anh hùng - liệt sĩ, ghi công ơn và nguyện tiếp bước các bậc tiền bối cách mạng. Bên cạnh đó còn có các trò chơi văn nghệ, đố vui, thi chạy bộ, cắm trại khá sôi nổi. Cao điểm ngày lễ lớn hàng năm, Khu di tích TƯCMN (hiện toàn khu có hơn 20 di tích liên quan) - trải khắp huyện Tân Biên, đón tiếp bình quân mỗi ngày khoảng 3.000 du khách...”.
Về với Khu di tích TƯCMN, du khách không quên viếng thăm các di tích lịch sử ở Bắc huyện biên giới Tân Biên, Tây Ninh, cũng nổi tiếng không kém. Đó là di tích căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (đi liền với tên tuổi luật sư Nguyễn Hữu Thọ) và di tích căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (gắn với danh tiếng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát)…
Cách di tích căn cứ TƯCMN đường chim bay độ 20 cây số về hướng Nam, ai đã một lần đến Tây Ninh đều trầm trồ trước vẻ đẹp hết sức hùng vĩ của núi Bà Đen - cao nhất Nam Bộ: 948m (được mệnh danh là “Nóc nhà Nam Bộ”). Tại đây cũng chứng kiến nhiều chiến công đánh Mỹ lẫy lừng của quân và dân ta - nơi cửa ngõ “yết hầu” của căn cứ TƯCMN năm xưa... Khu du lịch lịch sử cách mạng - sinh thái - tâm linh núi Bà Đen, mỗi năm gần đây thu hút hơn 1,5 triệu du khách thập phương, mới khánh thành hệ thống cáp treo nối dài từ chùa Điện Bà lên tận đỉnh núi Bà Đen vào đầu Xuân Canh Tý 2020.
Hệ thống các hang động, chùa chiền ở núi Bà từng thấm đẫm máu xương của biết bao anh hùng - liệt sĩ cách mạng yêu nước. Cảnh vật nơi đây hoang sơ, rừng cây trái sum suê (nổi tiếng cả miền Nam là mãng cầu (quả na) núi Bà ngọt lịm, rồi chuối - mít núi Bà thơm ngon, ngọt dịu, nhất là đặc sản thằn lằn núi Bà không nơi nào có được)…
Từ đỉnh núi Bà Đen, phóng tầm mắt không xa, ta được thỏa thuê tắm mình với lòng hồ thủy lợi Dầu Tiếng xanh ngát lớn nhất Đông Nam Á (đường chim bay cách núi Bà hơn 7km). “Nóc nhà Nam Bộ” núi Bà Đen - đặc biệt là hệ thống cáp treo núi Bà - đang hấp dẫn “ăn khách” du lịch nhất nhì phía Nam nước ta…
Về với “Thánh địa” cách mạng miền Nam thời chống Mỹ ở Tây Ninh hôm nay, là dịp để chúng ta sống mãi với biết bao dư âm chiến công chói lọi hào hùng, chia sẻ với những đau thương mất mát hết sức to lớn của dân tộc ta, mới đó đã 45 năm trôi qua… Những trang sử vàng đó, mãi mãi đồng hành với hơn 96 triệu người dân “con Lạc - cháu Rồng” Việt Nam hiện tại, trên dải đất hình chữ S mấy nghìn năm lịch sử oai hùng, đẫm máu.
Sau hơn 10 năm liên tục di dời giữa “mưa bom bão đạn”, TƯCMN trở về biên giới Bắc Tây Ninh ngày 4/2/1973. Căn cứ mới của TƯCMN được xây dựng ngày 8/3/1973, là căn cứ địa cuối cùng - hiện nay thành Khu di tích TƯCMN, cách TPHCM khoảng 160 km theo hướng Tây - Bắc. Bí thư TƯCMN qua các thời kỳ: Đồng chí Lê Duẩn (1951 - 1954); Nguyễn Văn Linh (1961 - 1964); Nguyễn Chí Thanh (1964 - 1967); Phạm Hùng (1967 - 1975).