Đời sống người dân được cải thiện nhờ phát triển cây chè

GD&TĐ -Thông qua việc liên kết sản xuất và chế biến các sản phẩm chè sạch bước đầu mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Đời sống người dân được cải thiện nhờ phát triển cây chè.
Đời sống người dân được cải thiện nhờ phát triển cây chè.

Trồng chè theo hướng hữu cơ an toàn

Với địa hình, khí hậu phù hợp, cây chè ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được cho là cây công nghiệp chủ lực có thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm gần đây, cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Đại Từ là vựa chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với diện tích trên 6.600ha (chiếm trên 30% tổng diện tích chè toàn tỉnh). Cùng với giống chè trung du, những năm qua, người dân trên địa bàn đã tích cực đưa các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, như: LDP1, TRI777, Long Vân, Bát Tiên…

Năm 2022, tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 80.000 tấn; giá trị sản xuất sản phẩm chè đạt gần 2.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 308,8 triệu đồng.

Từ nhiều nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện Đại Từ đã triển khai hàng loạt các đề án hướng tới phát triển các sản phẩm chè thông qua hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến. Đồng thời triển khai lồng ghép nhiều chương trình, đề án để hỗ trợ người dân từng bước đưa máy móc vào sản xuất.

Ngoài ra, việc thay đổi phương thức canh tác, áp dụng các quy trình trồng, chăm sóc chè an toàn được người làm chè Đại Từ chú trọng nhằm đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng.

Đến thăm đồi chè ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các bà, các chị đang tấp nập thu hái chè. Nét mặt ai nấy đều phấn khởi, tươi vui vì vụ này chè ít bị nhiễm sâu bệnh. Tháng 7 là thời điểm mùa mưa cũng là mùa chè đang kỳ nảy chồi, các búp non đều tăm tắp.

Bên nương chè đầu vụ búp lên mơn mởn, chị Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc HTX Chè Phúc Nguyên, xã Văn Yên, huyện Đại Từ vừa nhanh tay hái chè vừa bắt chuyện: Gia đình tôi có truyền thống trồng và chế biến chè, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, HTX chè Phúc Nguyên được thành lập tháng 7 năm 2022 với 9 thành viên.

Khi thành lập HTX, mục tiêu của chúng tôi đó là làm sao để thay đổi nhận thức của bà con về các quy trình trồng, chế biến các sản phẩm chè từ đó nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, giúp bà con cải thiện thu nhập, đặc biệt là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cũng theo chị Nguyên, HTX thường xuyên vận động, tuyên truyền cho bà con sản xuất theo hướng VietGAP. Từ khi sản phẩm của HTX được chứng nhận OCOP của tỉnh Thái Nguyên, bà con rất phấn khởi. Hiện nay, HTX đang liên kết với bà con tại địa phương trồng 5ha chè, trong đó có 2ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trung bình sản lượng chè đạt 300kg/ tháng, HTX sẽ thu mua trực tiếp chè tươi của bà con với giá từ 30.000 đồng – 60.000 đồng/kg, qua chế biến giá thành phẩm chè khô từ 200.000 – 500.000 đồng/kg, ngoài ra cũng có những sản phẩm chất lượng cao với giá thành đắt hơn khoảng 2,5 triệu đồng/kg.

IMG_3720.JPG
Chị Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc HTX Chè Phúc Nguyên, xã Văn Yên, huyện Đại Từ đang đóng gói các thành phẩm chè khô.

Đời sống bà con từng bước được cải thiện nâng cao

Từ nguồn thu nhập ổn định, đã giúp bà con có thêm động lực để chăm sóc, sản xuất theo đúng quy trình, chị Nguyên chia sẻ thêm.

Là một trong những lao động thường xuyên tại HTX chè Phúc Nguyên, anh Lê Văn Như (SN: 1977) xã Văn Yên chia sẻ: Hàng ngày tôi làm các công việc như hái chè, sao chè. Công việc này tôi đã làm quen nên cũng không thấy có gì nặng nhọc, bên cạnh đó nhờ việc làm ổn định tại đây, mỗi tháng cũng giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, đủ để trang trải cuộc sống.

Ông Lê Đình Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho biết: Toàn xã có 15 xóm, là một trong những địa phương có đông dân số. Nhờ chịu khó làm ăn, nên vùng đất này ngày càng có nhiều sự đổi thay nhanh chóng. Trên khắp các thôn, bản đâu đâu cũng bao phủ một mầu xanh của chè. Nhiều nhà gia đình nỗ lực chăm chỉ chịu khó làm ăn chung tay xây dựng đời sống mới.

Hiện nay, trên địa bàn toàn xã còn 88 hộ nghèo chiếm 3,76%, 103 hộ cận nghèo chiếm 4,41%, mục tiêu của địa phương đó là trung bình mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,2%/ năm.

Để giúp người dân đạt hiệu quả cao nhất từ phát triển cây chè, bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ hằng năm huyện còn cử cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con thực hiện các khâu kỹ thuật chăm sóc cây chè, như: Đốn, tỉa cành, vun xới, bón phân..., và trồng bổ sung thêm diện tích mới.

Thông qua việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển cây chè theo hướng VietGAP đã giúp đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.