Có 120 cán bộ quản lý, giáo viên bậc học Mầm non của 188 cơ sở Giáo dục Mầm non thuộc 11 huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tham gia. Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, giáo viên sẽ thực hiện các nội dung gồm: thực hành xây dựng giáo án; chia sẻ thực trạng; giới thiệu phương pháp đổi mới tạo hình, sáng tạo; làm đồ dùng để thiết kế tạo hình cho trẻ mầm non.
Được biết, hoạt động tạo hình là một dạng hoạt động nghệ thuật nhằm giúp trẻ nhận biết và phản ánh thế giới xung quanh thông qua những hình tượng nghệ thuật ở mức độ nhằm thỏa mãn nhu cầu, ý thích và phù hợp với khả năng của trẻ. Hoạt động này gồm vẽ, nặn, cắt, xé, dán, lắp ráp… để tạo ra sản phẩm.
Theo hướng đổi mới phương pháp giáo dục mầm non với tiêu chí “Lấy trẻ làm trung tâm”, việc tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ không chỉ kích thích được nhu cầu mong muốn, thỏa mãn mà còn là sự sáng tạo của trẻ thông qua việc học, biết tận dụng các nguyên vật liệu mở. Qua đó, góp phần phát triển được khả năng nghệ thuật, phối hợp nhuần nhuyễn ba hình thức tổ chức hoạt động cá nhân, nhóm và hoạt động tập thể cho trẻ.
Theo bà Nguyễn Vĩnh Hảo - Chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Tiền Giang): Chuyên đề này giúp đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện tốt Thông tư số 26/2018 của Bộ GD&ĐT về quy định chuẩn giáo viên Mầm non, nâng cao việc tổ chức dạy tạo hình cho trẻ đạt hiệu quả.
Qua đó, giáo viên sẽ nắm vững nội dung, phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình linh hoạt, sáng tạo. Kích thích được tư duy sáng tạo của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được thể hiện cảm xúc, hứng thú tìm hiểu cuộc sống gần gũi xung quanh, trẻ tạo ra những sản phẩm bằng chính đôi tay của mình.