(GD&TĐ) - Một trong những việc quan trọng phát triển nền công nghiệp Việt Nam đó là các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là vấn đề được đặt ra từ lâu nhưng việc triển khai chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn…
Nhiều thách thức
Thực tế cho thấy việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ rất manh mún, nhỏ lẻ. Công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn đang là khâu yếu của công nghiệp Việt Nam. Ông Lộc cho rằng: “Trong lĩnh vực này chúng ta nói khá nhiều nhưng làm được rất ít”. Những con số thống kê trong thời gian vừa qua đều có thể thấy rõ điều này. Năm 2010, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc là 12,7 tỷ USD, nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất chiếm 55-60%, nhóm máy móc thiết bị chiếm 22-25%. Ngành dệt may, một ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2011 đạt được con số khá ấn tượng với 6,16 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế phải nhập tới 5,76 tỷ USD để phục vụ cho nhập khẩu nguyên phụ liệu, do đó, giá trị gia tăng có thể tạo được chưa đầy 1 tỷ USD – giá trị gia tăng rất thấp.
Ông Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam |
Phải đến thời gian gần đây, lĩnh vực này mới được quan tâm đúng tầm của nó. Ngày 24-2-2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, lắp ráp ô tô, dệt may, da giày, công nghệ hỗ trợ và phát triển công nghệ cao. Ngày 4-7-2011, Bộ Tài chính có Thông tư số 96/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Bên cạnh việc đề ra những chính sách, biện pháp, chúng tôi cũng đã phối hợp với những tổ chức quốc tế để tổ chức một số triển lãm, chắp mối xây dựng một số cơ sở dữ liệu cho công nghiệp phụ trợ (chắp mối gặp gỡ giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp cung cấp công nghiệp hỗ trợ)”.
Nghiên cứu thực tế có thể thấy những thách thức cơ bản đang đặt ra cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam:
Một là, thông tin từ nhiều tập đoàn sản xuất kinh doanh ở nước ngoài cho biết, các doanh nghiệp lắp ráp của Việt Nam nếu không tiếp cận được nguồn cung tại chỗ theo lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ chương trình mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc thì họ sẽ chuẩn bị đến sản xuất ở những nước có ngành công nghiệp phụ trợ tốt hơn. Vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự rời bỏ của một số doanh nghiệp FDI lớn để chuyển tới những nơi gần vùng nguyên liệu hơn.
Hai là, trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất yếu kém. Theo ước tính của Bộ Công thương, nhiều ngành công nghiệp hiện nay đã lệ thuộc 80% nguyên liệu, phụ tùng nhập khẩu, như: ngành ô tô mới nội địa hóa khoảng 5-10%, ngành xe máy khá hơn các ngành khác đạt 40-70%. Thông tin từ các liên doanh lắp ráp về ô tô ở Việt Nam có cho biết, nếu đến 2015 tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất công nghiệp ô tô không đạt được khoảng 60% thì nhiều nguy cơ các doanh nghiệp sản xuất liên doanh cũng sẽ ra đi. Đó là sức ép rất lớn đối với Việt Nam nếu muốn duy trì ngành công nghiệp lắp ráp ở trong nước.
Ba là, đến nay, những nhà cung cấp linh kiện phụ tùng thuộc công ty nước ngoài đang chủ yếu là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và vẫn đang còn khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng khá lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước.
Ông Lộc nhấn mạnh: Việt Nam đang có rất ít những liên kết công nghiệp hỗ trợ và cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn chưa được chú ý và chưa có những cơ sở dữ liệu tin cậy. Chúng ta vẫn chưa tạo ra được chuỗi giá trị thông qua việc liên kết doanh nghiệp kể cả sử dụng những dịch vụ tài chính, phi tài chính để có thể khai thác những lợi thế cạnh tranh để phát triển những ngành công nghiệp này.
Trước những thách thức trên, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn. Mặc dù nhiều chính sách đã được đề ra nhưng theo nhiều ý kiến của các doanh nghiệp thì những chính sách đó cũng chưa đáp ứng được sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ. Do đó, việc nghiên cứu chính sách vẫn phải được tiếp tục.
Khi công nghiệp hỗ trợ được phát triển
Ông Vũ Tiến Lộc chỉ rõ: “Công nghiệp phụ trợ sẽ góp phần giảm chênh lệch trong cán cân thương mại hiện nay. Công nghiệp phụ trợ còn đóng vai trò chắp mối cho sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác, không chỉ đơn thuần là phát triển ngành công nghiệp trong nước mà quan trọng hơn là đón đầu các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn nổi tiếng nước ngoài đến đầu tư sản xuất ở Việt Nam”.
Nhiều doanh nghiệp Nhật cho biết, mặc dù muốn mua vào những linh kiện ngay tại Việt Nam thay vì phải nhập khẩu, nhưng số doanh nghiệp sản xuất linh kiện ở Việt Nam rất ít mà tiêu chuẩn chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cũng có những đánh giá cho biết, so với những sản phẩm tương tự sản xuất ở Việt Nam và tại Trung Quốc và Thái Lan thì tiêu chuẩn và chất lượng của sản xuất ở Việt Nam chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
Gần đây, diễn đàn kinh tế Việt Nam- Nhật Bản nhấn mạnh, có thể đây là một làn sóng để các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất công nghiệp hỗ trợ sẽ vào Việt Nam nếu Việt Nam có một môi trường tốt để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ này.
Ông Lộc khẳng định: “Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp được các linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước mà có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Bài và ảnh: Vũ Thành