Đời bi đát của những anh chồng có vợ ghen bệnh hoạn

 Anh Thành (Đống Đa, Hà Nội) đang trả lời khách nữ mua đồ ở cửa hàng nhà mình thì vợ xông tới lu loa: "Vắng tôi vài phút là anh đã rủ tình nhân tới hú hí à".

Ảnh minh họa:Medical News Today.
Ảnh minh họa:Medical News Today.

Bị vợ quản lý từng cuộc gọi cũng như đồng hồ đo công tơ mét trên xe, anh Thành đúc kết "đời mình coi như nát rồi, giờ chỉ sống vì con". 

Anh Thành kể, thời yêu, vợ anh đã hay ghen vô cớ nhưng sau đó lại hết mực chăm chút và được cả gia đình anh quý mến nên cuối cùng anh quyết định cưới. Sau hôn nhân, anh không khác phạm nhân. Dù đi làm thêm, cà phê với bạn hay chỉ là về thăm bố mẹ đẻ, anh cũng bị vợ gọi điện liên tục, thậm chí đi xem ôm tới bắt về. 

Để hạn chế những lần vợ lồng lộn tìm đến đánh ghen, anh Thành từ bỏ các hoạt động như đi uống bia, đá bóng với bạn bè, liên hoan công ty, không dám mời ai tới nhà... Dù vậy, vợ anh vẫn gọi điện cho đồng nghiệp của chồng chất vấn, chửi bới vì nghĩ đó là tình địch.

Cuối cùng, anh Thành chấp nhận nghỉ việc để ở nhà cùng chị mở một siêu thị mini. Nhưng mọi việc vẫn không thay đổi. 5 nhân viên nữ đã nghỉ việc vì không chịu nổi những lời chì chiết, bóng gió của bà chủ. Anh trò chuyện với khách nữ đến mua hàng cũng bị vợ nổi cơn tam bành. 

"Nhiều người còn hiểu lầm, nghĩ chắc tôi phải thế nào thì vợ mới hay ghen và quản chặt như vậy. Nhưng thực tế là tôi còn không có cơ hội biện minh trong các tình huống chẳng có gì mờ ám... ", anh Thành kể.

Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục (Hà Nội) cho biết, Trung tâm từng tiếp nhận trị liệu cho nhiều trường hợp ghen tới mức bệnh lý như vợ anh Thành. Khi cơn ghen không dựa vào bất cứ căn cứ nào, với các phản ứng thái quá như luôn theo dõi hay thuê người theo dõi, kiểm soát mọi việc của bạn đời, đánh ghen với bất cứ người khác phái nào tiếp xúc vợ/chồng... thì đó có thể là ghen hoang tưởng. 

Theo chuyên gia, vợ hay chồng của những người này luôn phải sống trong khổ sở, tù túng vì bị nghi ngờ, quản thúc. Nhiều người tiêu tan sự nghiệp vì thói ghen không tưởng của vợ. Có những người vợ liên tục gửi đơn tố cáo chồng ngoại tình khiến bạn đời lao đao, bị mọi người xung quanh ngờ oan. 

Trường hợp người phụ nữ tìm đến trung tâm vài tháng trước là một điển hình. Cô này gặp chuyên gia khăng khăng nói chồng mình có bồ, muốn ruồng rẫy vợ con. Người chồng hơn 40 tuổi nhưng trông khá tiều tụy, kể, anh khá ốm yếu và không ham hố gì "chuyện ấy", cũng chưa từng tán tỉnh ai nhưng luôn bị vợ nghi ngờ.

Mỗi khi anh đi đâu, chị đều đòi theo cùng. Do đặc thù công việc, anh thỉnh thoảng phải đi công tác. Mỗi lần như vậy, vợ đều nghĩ chồng dẫn bồ đi chơi nên khóc lóc, gọi điện dọa tự tử, bắt chồng về. Thậm chí, anh đi cắt tóc ngay đầu xóm cũng bị kết tội thành "lại tranh thủ đi vui vẻ với con nào". 

Chị còn tìm tới tận cơ quan chồng tố giác với cấp trên là anh hay cặp bồ nên đề nghị không cho anh đi công tác. "Tôi đã phải chuyển chỗ làm nhiều lần cũng vì thói ghen của vợ. Bây giờ, tôi mệt mỏi tới nỗi chẳng muốn thanh minh với ai, cũng chẳng buồn để ý xem vợ làm trò gì", anh bày tỏ. 

Theo các chuyên gia, người tìm đến trung tâm tư vấn thường là vợ, chồng của người có thói ghen hoang tưởng, còn bản thân họ thì không chịu tới vì tự cho mình là đúng, không có vấn đề. Họ hợp tác rất kém trong việc trị liệu. Trong đầu họ, việc vợ/chồng mình có bồ là rất thật và mọi biểu hiện của vợ/chồng với người khác phái đều là có ý đồ về tình dục. 

"Với các những trường hợp này, liệu pháp tâm lý chỉ là một phần, họ cần được can thiệp bằng thuốc mới có thể cải thiện", tiến sĩ Bưởi cho biết. 

Theo bà, nên liên hệ với chuyên gia về tâm thần để được hỗ trợ nếu thấy bạn đời có các biểu hiện ghen thái quá như:

- Luôn nghi ngờ chồng/vợ, nổi cơn ghen dù không có bằng chứng nào.

- Luôn tìm kiếm và thu thập chứng cứ phản bội bằng cách theo dõi, kiểm tra mọi hành động, cử chỉ, điện thoại... của bạn đời.

- Tự suy diễn các tình huống chồng, vợ ngoại tình, dù gia đình đang êm ấm.

- Có các hành động bất thường như cấm chồng ra khỏi nhà, không cho giao tiếp với người khác giới, hay chửi bới, gào thét...

- Các biểu hiện ghen tuông quá mức, vô căn cứ trên kéo dài, liên tục.

Theo chuyên gia, nếu không trị liệu kịp thời, tình trạng này ngày càng nặng và có thể gây ra những hậu họa khó lường, làm tan vỡ gia đình, hành hung bạn đời và những "người thứ ba" tưởng tượng, ảnh hưởng tới tâm lý con cái. 

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.