Hồi sinh sắc đỏ Kim Hoàng
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm về làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), quê hương của dòng tranh đỏ một thời nức tiếng. Đây là dòng tranh dân gian từng rất được ưa chuộng, thường phục vụ nhu cầu chơi tranh Tết của người dân đất Kinh kỳ.
Năm 1915, một trận lụt lớn đã cuốn trôi nhiều ván in tranh tại làng, tranh Kim Hoàng cũng từ đó mà thất truyền. Chính tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Thị Bình và người dân làng Kim Hoàng đã đưa dòng tranh đỏ truyền thống hiện diện trở lại.
Đến nhà của nghệ nhân Bình, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh Kim Hoàng do chính tay bà “hồi sinh”.
“Khôi phục tranh Kim Hoàng không chỉ là tái hiện kỹ thuật vẽ và in mà còn là việc bảo tồn một phần hồn cốt văn hóa dân tộc. Tôi luôn mong muốn tranh được nhiều người biết đến hơn và có nhiều bạn trẻ đam mê với bộ môn này, để dòng tranh cổ truyền ấy trở thành một phần của cuộc sống hiện đại”, nghệ nhân Bình bày tỏ.
Có một đặc trưng của dòng tranh này mà ai nhìn vào cũng phải ấn tượng, đó là sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ son, vàng yến… rực rỡ làm nền tranh, tạo nên một vẻ tươi tắn rất riêng.
Đề tài trong tranh Kim Hoàng cũng rất phong phú, được lấy từ chính cuộc sống mộc mạc của người dân quê vùng đồng bằng Bắc bộ, như con trâu, con lợn, con gà, hình ảnh làng quê…
Khác với các dòng tranh khác như tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống, trên góc tranh Kim Hoàng còn có thơ đề và bùa trấn tà ma. Nhờ vậy mà tranh phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân, từ trang hoàng nhà cửa đầu năm mới, cầu phúc lộc may mắn đến trấn trạch, xua đuổi tà ma.
“Làm một bức tranh thế này cũng mất đến cả buổi, chứ không thể in một loạt cả trăm, cả nghìn bức một lúc được”, vừa cho chúng tôi xem đôi tranh “Thần Kê”, nghệ nhân Bình vừa chia sẻ.
Trên nền giấy đỏ, nghệ nhân dùng các ván khắc để in những đường nét thô, định hình bố cục cho tranh. Sau khi tô màu, nghệ nhân một lần nữa in nét để hoàn thiện các chi tiết trên những mảng màu và thổi hồn cho bức tranh. Công phu như vậy, nên nghệ nhân làm tranh Kim Hoàng phải thật tỉ mỉ và chăm chút cho từng đường nét.
Đặc biệt ở chỗ, trong tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân có thể tự do chấm phá màu sắc lên bức tranh theo cảm nhận và ngẫu hứng cá nhân. Chính vì vậy, dù cùng in ra từ một bản khắc, song mỗi bức tranh lại mang một phong thái riêng, chứa đựng nét tài hoa và cá tính của mỗi nghệ nhân.
Tuy nhiên, hành trình tìm về sắc đỏ truyền thống của nghệ nhân Nguyễn Thị Bình cũng không hề dễ dàng. Không có nguồn tài trợ, không có người chỉ dẫn, các tư liệu gốc liên quan đến tranh cũng đã mất hoặc không còn nguyên vẹn, nghệ nhân Bình phải tự mình tìm tòi, nghiên cứu từ đường nét, màu sắc cho đến quy trình làm nên một bức tranh hoàn chỉnh.
Bà chia sẻ: “Tôi dành nhiều thời gian tìm tư liệu ở thư viện. Từ bộ sưu tập tranh dân gian còn sót lại, cho đến những cuốn sách của các nhà nghiên cứu… tất cả để cho mình hình dung rõ nét nhất trước khi bắt tay vào thực hiện”.
Người cao tuổi trong làng không còn ai theo nghề, bà lại học cách pha chế màu làm giấy từ các nghệ nhân ở làng tranh Đông Hồ. Nhiều người từng khuyên bà từ bỏ, nhưng bằng tình yêu và khát khao muốn đưa tranh Kim Hoàng trở lại, nghệ nhân vẫn đặt quyết tâm cao nhất.
Sau thời gian dài không ngừng nghiên cứu và thử nghiệm, đến tháng 7/2024, nghệ nhân Nguyễn Thị Bình đã thành công khôi phục được mẫu tranh đầu tiên và nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia. Đến nay, trong bộ tranh cổ gồm 93 mẫu, bà đã khôi phục được 70% các mẫu tranh của làng Kim Hoàng.
“30% còn lại sẽ là công việc của tôi cùng với những bạn trẻ có chung khát khao phục dựng dòng tranh đỏ đặc sắc này”, bà Bình chia sẻ.
Không chỉ khôi phục các mẫu tranh cũ, nghệ nhân Nguyễn Thị Bình cũng không ngừng tìm tòi, sáng tạo những hình tượng mới, phù hợp với thị hiếu để đưa vào tranh Kim Hoàng.
Chia sẻ với chúng tôi, bà cho biết thời điểm giáp Tết, có nhiều người đã gọi điện hỏi đặt hàng tranh con rắn, linh vật của năm để về treo trong nhà. Hiện bà đang nghiên cứu, tìm hiểu và thử nghiệm thêm để sớm có một bức tranh đỏ mang linh vật là con rắn.
Sắc đỏ truyền thống trong nhịp sống hiện đại
Để để hiện diện sinh động trong đời sống hiện nay, các sản phẩm tranh Kim Hoàng cần một hướng đi mới, một cách tiếp cận sáng tạo. Muốn làm được điều đó, cần phải có sự chung tay góp sức và nỗ lực của các nghệ nhân, các nhà sáng tạo và cả những người trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống.
Bên cạnh việc sản xuất tranh theo phương thức truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Bình cũng dành nhiều công sức cho việc ứng dụng sắc đỏ tranh Kim Hoàng vào các sản phẩm gần gũi trong đời sống thường ngày.
Căn phòng làm việc của nghệ nhân hệt như một cửa tiệm thú vị, bởi trong đó chất đầy những chiếc túi vải, đèn lồng, những món đồ trang trí mang sắc đỏ và hình tượng truyền thống trong tranh Kim Hoàng. Từng sản phẩm đều trau chuốt tỉ mỉ để một ngày trong tương lai được đưa đến tay người dùng.
“Muốn tranh Kim Hoàng được phổ biến rộng rãi trong đời sống, thì nhất định phải tìm cách làm mới để phù hợp với thị hiếu hiện đại. Thực tế khi tôi giới thiệu những sản phẩm ứng dụng này cho người quen, rất nhiều người tỏ ra thích thú và muốn đặt làm thêm”, nghệ nhân Bình hào hứng chia sẻ.
Bằng cách này, dòng tranh truyền thống không chỉ tiếp cận được với nhiều người hơn, mà còn năng động thích ứng và tiếp tục phát triển trong cuộc sống ngày nay.
Ngay tại chính xưởng vẽ của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Bình cũng tự tay tổ chức các hoạt động vẽ tranh để các em nhỏ trong làng hay bất kỳ ai có niềm yêu thích với tranh Kim Hoàng có thể tham gia và tự tay mình vẽ lên những bức tranh đỏ mang cá tính riêng biệt của bản thân.
Hoạt động này không chỉ giúp tạo ra sân chơi bổ ích cho các em nhỏ mà còn giúp các em nuôi dưỡng niềm đam mê, tình yêu dành cho nghệ thuật nói chung và dòng tranh Kim Hoàng nói riêng.
Không chỉ vậy, sắc đỏ đặc trưng của tranh Kim Hoàng còn được đưa lên tà áo dài truyền thống. Năm 2024, những bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ dòng tranh Kim Hoàng đã được ra mắt và để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng. Ý tưởng độc đáo này cũng giúp tôn vinh giá trị của cả hai sản phẩm khi được kết hợp hài hoà với nhau.
“Tranh Kim Hoàng là minh chứng cho câu nói văn hóa dân gian có thể trường tồn và phát triển nếu chúng ta biết cách làm mới nó” - Nghệ nhân Bình khẳng định. Với tâm huyết của những nghệ nhân có tay nghề cao và sức sáng tạo dồi dào của người trẻ, dòng tranh đỏ truyền thống chắc chắn sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai, trở thành điểm nhấn độc đáo trên bản đồ di sản Việt Nam.
Tết đến, khi những bức tranh Kim Hoàng được treo lên, ta không chỉ thấy những mảng màu tươi tắn, mà còn cảm nhận được nhịp thở của văn hóa, truyền thống và sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Đây chính là giá trị vượt thời gian độc đáo mà tranh Kim Hoàng mang lại.