Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Người ngoài thèm muốn được như tôi, còn tôi thì nhiều lúc muốn thoát cũng không xong.
Chồng tôi không uống rượu hay nghiện thuốc lá như nhiều người đàn ông khác, nhưng anh nghiện điện thoại điên cuồng. Mỗi ngày, nếu thiếu điện thoại bên người chắc anh không sống nổi. Thời gian đầu tôi còn kiên trì, khuyên anh từ bỏ nhưng chẳng thấm vào đâu. Khi mang bầu, tôi tìm cách sai anh đủ thứ việc nhà để anh có thể buông điện thoại ra một lúc, anh cũng làm theo. Nhưng sau này tôi phát hiện, khi tôi ngủ say, anh lại ôm riết lấy điện thoại, có hôm thức luôn đến sáng. Ngày nào tôi cũng than ngắn thở dài, nói nặng nói nhẹ cũng không ổn. Nhiều khi anh còn cáu lên với tôi. Tôi bắt anh hứa phải “cai nghiện” sau khi sinh con, nhưng anh hứa xong lại quên luôn.
Mối quan hệ giữa hai vợ chồng vốn không đơn giản, khi có con, cuộc sống càng phức tạp hơn. Tôi không hài lòng chút nào về thói quen của anh, tôi ra sức khuyên nhủ anh hãy vì vợ, vì con mà bớt sờ vào điện thoại. Vợ con của anh mới là giá trị thực, mới là những điều anh cần quan tâm ngay lúc này chứ không phải là những trò chơi hay những câu chuyện và mối quan hệ ảo trên điện thoại, nhưng càng nói anh càng nghiện, kết quả lúc nào cũng là… cãi nhau.
Quá chán nản, tôi quyết định mặc kệ anh, có hôm tôi không nói với anh câu nào, anh cũng chẳng thay đổi. Tôi im lặng là để tìm sự bình yên chứ không muốn cãi nhau, cũng là để cho anh tự giác sửa đổi nhưng hình như anh chẳng nhận ra việc anh cần phải thay đổi. Căn hộ nhỏ của chúng tôi chìm trong tĩnh lặng một cách đáng sợ.
Tôi không biết phải cải thiện cuộc sống như thế nào với một người chồng cứng đầu như vậy. Phải chi anh dành chút thời gian để quan tâm đến cảm xúc của vợ thì tôi cũng sẽ không có thời gian để ngồi than thở với bạn bè. Giá như chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe, cùng nhau sửa đổi thì đâu có chuyện bất hòa. Ngôi nhà yên bình không tiếng cãi vã chưa hẳn là hạnh phúc, bởi vì bản chất bên trong nó không có sự chia sẻ và thấu hiểu.Chẳng còn cách nào, tôi buồn bã gửi cho chồng một tin nhắn dài, lúc đó anh đang nằm ngay bên cạnh tôi: “Anh à, giá mà anh bỏ cái tính cố chấp và biết lắng nghe những góp ý từ em, tuy em ít hơn anh nhiều tuổi nhưng không có nghĩa em chưa đủ trưởng thành, chưa đủ tư cách để khuyên anh hay góp ý gì với anh. Em mong anh đọc rồi hãy tự sửa đổi như những gì anh từng nói với em”.
Tôi không biết anh có đọc tin nhắn của tôi ngay lúc ấy không, nhưng anh chẳng nói gì với tôi cả. Tôi mệt và thiếp đi, anh lướt điện thoại chán chê rồi cũng vùi mặt vào gối mà ngủ. Sáng hôm sau chúng tôi lại tiếp tục vào guồng “việc ai nấy làm”. Tôi đã nghĩ, chẳng biết mình kết hôn để làm gì nữa.
Một hôm, tôi ôm con đi ăn cỗ cưới. Khi về nhà, tôi cho con đi ngủ rồi cũng ngồi lướt điện thoại. Anh về, chẳng thèm hỏi han vợ con lời nào. Một tiếng đồng hồ sau, anh đói bụng, bảo tôi đi dọn cơm. Tôi bực mình lên tiếng: “Hôm nay em đi đám cưới đứa bạn nên không nấu cơm, anh ăn tạm mì đi”. Anh nổi khùng, trách móc, căn vặn tôi một hồi rồi xuống bếp nấu mì. Loay hoay mãi mới thấy anh bưng bát mì lên phòng, vừa ăn vừa dán mắt vào điện thoại.
Tôi tự an ủi bản thân, mình còn may chán vì chồng mình chưa nghiện những thứ khác. Một người bạn nhắn cho tôi: “Cái hội đàn ông ấy mà, chơi game dường như đã ngấm vào máu rồi. Mình trị nhiều cách, cứng có, mềm có nhưng không được thì cứ bơ đi, miễn là các ông ấy vẫn nộp đủ lương hàng tháng. Chỉ khi nào ham chơi không làm ăn gì thì mình sẽ tùy cơ ứng biến”.
Nói thì dễ nhưng nhiều khi tôi không thể bơ anh được. Con khóc, anh mặc định gọi “Em ơi”, mắt vẫn không chịu rời điện thoại. Cứ đà này, tôi sợ khi con lớn hơn, nó cũng chẳng có chút tình cảm nào với bố. Một lần con bị sốt, tôi cần anh đi mua thuốc nhưng anh cứ chày cối “Đợi tí, một lát nữa thôi”, tôi hết kiên nhẫn, giằng lấy điện thoại từ tay anh rồi ném lên sofa. Rốt cuộc, anh vẫn “chứng nào tật nấy”.
Cực chẳng đã, tôi đành áp dụng chiêu “độc trị độc”. Ngoài thời gian đi làm, cứ về đến nhà là tôi bỏ bê nội trợ, quần áo bẩn chất đống không thèm giặt, nhà bám bụi cũng mặc kệ. Một buổi chiều, anh trở về nhà, thấy tôi đang cặm cụi bên máy tính. Anh hỏi tôi làm gì mà chăm chú thế, tôi lạnh lùng đáp: “Em cũng muốn giải trí để đỡ căng thẳng”.
Mọi chuyện chỉ dừng lại khi một ngày, tôi bị kiệt sức và ngất xỉu ngay bên bàn phím, anh phải đưa tôi đi cấp cứu. Khi bác sĩ thông báo tôi bị… động thai thì không chỉ anh, mà cả tôi cũng phát hoảng. Vì mải “trả đũa” anh mà đến cả việc dính bầu lúc nào tôi cũng không biết. Nhưng cũng từ hôm đó, anh đoạn tuyệt hẳn với thói quen xấu.