(GD&TĐ)- Giai đoạn 2006-2009, phong trào năng suất, chất lượng quốc gia được phát động và tạo ra những chuyển biến tích cực: hơn 1.000 tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố, đưa tổng số tiêu chuẩn còn hiệu lực lên hơn 6.000. Trong đó, khoảng 2.100 tiêu chuẩn quốc gia (gần 35%) hoàn toàn tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chuẩn này đảm bảo nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh, sức khoẻ, bảo vệ môi trường…
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp VN đến năm 2020" để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và nâng cao năng lực quản lý chất lượng trong sản xuất kinh doanh nhằm tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu Việt và vượt qua rào cản kỹ thuật khi hội nhập kinh tế quốc tế.
|
Ông Nguyễn Hữu Thiện. |
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thiện- Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục đo lường chất lượng về "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020"
Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết tầm quan trọng của việc áp dụng các quy chuẩn chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Chúng ta đã trải qua thời kì có những lợi thế như lao động rẻ tiền, chúng ta có thể dùng nguồn vốn nước ngoài để đầu tư trong nước, bây giờ chúng ta phải phát triển rất cơ bản làm sao cho chúng ta có thể cạnh tranh được.
Muốn phát triển năng lực cạnh tranh thì vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là năng suất và chất lượng. Chúng ta đã làm được một số việc nhưng còn qúa nhỏ so với yêu cầu của một quốc gia. Cho nên có thể trong thập niên tới chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động năng suất.
Kinh nghiệm của Singapo cho thấy, Lý Quang Diệu đã bắt đầu phát triển đất nước bằng việc đưa năng suất vào để sau 20 năm, năm 2000 Singapo đã trở thành một nước phát triển.
Vấn đề năng suất và chất lượng là vấn đề cơ bản. Chúng tôi mong sao Nhà Nước có những chương trình, chủ trương, tư duy thật sự đổi mới để đưa vấn đề năng suất trở thành một vấn đề then chốt cho phát triển bền vững.
PV: Trên thực tế chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này. Vậy làm sao để có thê nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về việc áp dụng các quy chuẩn chất lượng?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Muốn cho doanh nghiệp thay đổi nhận thức thì chúng ta phải tạo ra những nhận thức từ bên trên, quản lý vĩ mô. Chúng tôi thấy trong báo cáo năng lực cạnh tranh của mình đã có những kiến nghị thiết thực tập trung về vấn đề phát triển năng suất.
Ví dụ như những kiến nghị cụ thể lập một quỹ quốc gia về vấn đề năng suất, có những chương trình lớn xuất phát tự chính phủ, những tổ chức liên ngành để có thể cố vấn cho thủ tướng, cho chính phủ. Ở Việt Nam cũng có trung tâm năng suất Việt Nam trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên quy mô và ảnh hưởng là quá nhỏ so với nền kinh tế hiện nay.
PV: Việc chăm sóc khách hàng, đảm bảo nhu cầu khách hàng có liên quan đến năng suất như thế nào? Thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Thực ra năng suất để làm cho phát triển của một nền kinh tế thì đương nhiên hàng hóa và dịch vụ phải có năng lực cạnh tranh. Chúng ta muốn xuất khẩu nhiều thì hàng hóa và dịch vụ phải có năng lực cạnh tranh. Có sức cạnh tranh thì đương nhiên thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hành, của người tiêu dùng. Tất nhiên đó cũng là một mục tiêu để phát triển.
Nhưng làm thế nào để có được năng lực cạnh tranh thì chúng ta phải đi tìm câu trả lời cho vấn đề năng suất. Đương nhiên là hai cái đó liên quan mật thiết với nhau.
Sản xuất thì mong muốn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Muốn đáp ứng được đó phải phát triển làm sao cho nhanh, nhiều, rẻ, tốt, cho có năng lực cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề là không có con đường nào khác bằng con đường phát triển năng suất, phải cấu tạo lại nền kinh tế của mình, phải làm sao tổ chức được một hệ thống điều hành từ trên xuống dưới chú trọng vào năng suất.
Thay vì chúng ta dùng lực lượng lao động rẻ tiền như từ trước tới nay, chúng ta phải có chất lượng đưa vào trong năng suất sản phẩm của mình.
PV: Trên thực tế, các doanh nghiệp có tham gia vào quy chuẩn chất lượng đảm bảo cho chất lượng sản phẩm của mình?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Cách đây 35 năm chúng ta xuất khẩu vài trăm triệu rúp đô la một năm. Bây giờ chúng ta xuất khẩu mỗi năm là 5-7 chục tỷ đô la mỗi năm. Như vậy chúng ta có hàng hóa xuất khẩu nhiều và nhập khẩu còn nhiều hơn nữa.
Chúng ta cũng rất may mắn nhờ có những chính sách đổi mới mở cửa, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào đây làm ăn cũng đã tạo ra một thị trường rất lớn, nhất là tạo được một nền tảng để phát triển sản xuất, tạo ra những hàng hóa có chất lượng cao và có sức cạnh tranh.
Do vậy những doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp thì họ phải quan tâm đến chất lượng. Tuy năng suất chưa cao, giá thành chưa hợp lý, sức cạnh tranh không nhiều lắm. So với sức cạnh tranh chung của nước ta thì chỉ bằng 15% của Singapo hay bằng 20-30% so với Thái Lan chẳng hạn. Như vậy còn tụt hậu rất nhiều.
Trước mắt có những doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam thì đã có những bước phát triển tốt, có những đóng góp quan trọng.
Tôi nghĩ rằng những doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu cũng có quan tâm, còn đa số doanh nghiệp Việt Nam còn ì ạch. Chúng ta phải cố gắng đưa cái này vào cho mọi người hiểu được vấn đề năng suất là vấn đề cốt lõi để phát triển. Tất nhiên nhận thức là một quá trình, không thể ngày một ngày hai mà có được.
PV: Theo ông, các doanh nghiệp có nhận được sự hỗ trợ của Nhà Nước về vấn đề này không?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Doanh nghiệp Việt Nam cũng tùy vào điều kiện hoàn cảnh bởi vì có nhiều loại doanh nghiệp khác nhau. Nói chung là Nhà nước tạo mọi điều kiện giống nhau. Nhưng mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp có sự tận dụng điều kiện tốt hay không tốt, đem lại hiệu quả hay chưa hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của từng doanh nghiệp. Chúng tôi nghĩ trong quá trình phát triển này vấn đề đào tạo, vấn đề bồi dưỡng kiến thức cho những người lãnh đạo doanh nghiệp là rất cần thiết. Nhờ đấy họ mới có được những kĩ năng để lãnh đạo doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp phát triển được.
Vâng xin cảm ơn ông!
Đinh Thúy (ghi)