Dính “đòn kép”: Hai đại gia ngành bia rượu toan tính gì để tồn tại?

Dính “đòn kép”: Hai đại gia ngành bia rượu toan tính gì để tồn tại?

Bất lực nhìn doanh thu sụt giảm

Trong quý I doanh thu thuần của bia Hà Nội (Habeco) chỉ đạt gần 774 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận gộp giảm hơn 55% về mức 148 tỷ đồng. Trong khi nguồn thu giảm mạnh thì chi chí bán hàng gần 185 tỷ đồng (giảm 3%) và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 85 tỷ đồng (tăng 4%).

Kết quả, Habeco báo lỗ trước thuế tới 96 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi gần 98 tỷ đồng. Lần đầu tiên sau 10 năm Habeco công bố mức lỗ trước thuế trăm tỷ đồng. Thực tế từ trước khi ảnh hưởng bởi Nghị định 100 và dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh doanh của Habeco đã gặp khó khăn. Tháng 1, Habeco cũng thực hiện quảng bá hình ảnh rầm rộ chưa từng có nhưng hiệu quả hoạt động vẫn khá mờ nhạt.

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của bia Sài Gòn (Sabeco) cũng không mấy khả quan. Doanh thu thuần chỉ đạt 4.909 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức doanh thu theo quý thấp nhất của Sabeco từ năm 2016 đến nay. Lợi nhuận gộp của Sabeco trong quý I/2020 khoảng 1.350 tỷ đồng, giảm 38%.

Do nguồn thu giảm mạnh nên Sabeco chủ động cắt giảm chi phí bán hàng xuống 560 tỷ đồng (giảm 19%) và chi phí quản lý doanh nghiệp xuống 141 tỷ đồng (giảm 15%). Vì vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm 43% xuống còn 700 tỷ đồng. Trong quý I, Sabeco đã chi ra 238 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị bán hàng nhưng điều này không đủ cứu vãn kết quả kinh doanh.

Theo bà Lê Thị Oanh, giám đốc một công ty chuyên về rượu vang và nhà hàng cho hay, Nghị định 100 phạt nặng hành vi uống rượu – bia lái xe là yếu tố đang có những tác động lớn nhất đến ngành bia – rượu, lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác. Thêm vào đó, dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng tránh xa những nơi đông đúc như hàng quán, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ rượu - bia, gây cú sốc cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành.

Đứt gãy chuỗi cung ứng và sự thay đổi hành vi

Nhận định về những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của hai “ông lớn ngành bia Việt Nam”, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Ngành bia rượu bị ảnh hưởng rất lớn bởi đang chịu tác động kép (Nghị định 100/2019 và dịch Covid-19). Doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm sút mạnh (trên 30%). Những địa điểm giải trí về đêm và các cơ sở phục vụ ăn uống tại các thành phố mà các hãng bia kinh doanh hiện đã đóng cửa rất nhiều. Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong quý I/2020. Từ những khó khăn trên, ông Hoài cho biết, hiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố nhìn nhận được những khó khăn trên, từ đó không ban hành thêm các quy định pháp luật khác như tăng thuế, để tạo điều kiện giúp cho ngành phát triển.

Trong văn bản giải trình về sự tụt giảm doanh thu, Ban lãnh đạo Habeco cho rằng, đó là hệ quả và ảnh hưởng từ tác động kép quy định về sử dụng rượu bia và đại dịch Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Báo cáo tài chính cho thấy, giá trị tồn kho tăng 17,5%, lên 751 tỷ đồng, chủ yếu do tăng thành phẩm, hàng hóa.

Theo giải thích của Sabeco, ngoài tác động của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100 khiến sản lượng tiêu thụ giảm, Sabeco cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng bia nước ngoài như Heineken, Budweiser, Sapporo...

Theo nhận định của giới chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể tới nền kinh tế, không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà cũng thay đổi hành vi tiêu dùng của hàng tỷ người trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bia và đồ uống. Nếu trước khi xảy ra dịch bệnh, bia và đồ uống là những sản phẩm tăng trưởng nóng nhất thì trong đại dịch lại chịu mức sụt giảm nghiêm trọng.

Trước đó, trong báo cáo ngành bia tháng 2/2020 của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định năm 2020 là một năm đầy thử thách đối với Sabeco.

Ông Trương Sỹ Phú, CFA (chuyên gia phân tích thị trường) - Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư (BVSC) cho rằng, thị trường bia sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn (gần nhất là quý I/2020) và sẽ cần thời gian để thói quen tiêu dùng thích nghi với chính sách mới. Tuy nhiên, Sabeco tạm thời chưa lượng hóa hay đưa ra kế hoạch sản lượng tiêu thụ cho cả năm 2020. Đặc thù của ngành bia Việt Nam là kênh tiêu thụ on-trade (tiêu dùng tại chỗ) chiếm đến 70% tổng tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện tại có vẻ như dịch đang được kiểm soát khá tốt tại Việt Nam nên yếu tố này cần phải theo dõi thêm.

Trước tình hình kinh doanh không mấy khả quan của các công ty bia rượu, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) có kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia gửi Thủ tướng.

VBA cho biết, từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng kép bởi Nghị định 100 và dịch bệnh Covid-19 nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40 - 50%, nhiều hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70 - 80% lượng khách so với cùng kỳ 2019. Đối với Nghị định 100, VBA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và thông lệ quốc tế. Bảo Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ