Dính án tù vẫn làm "sếp" đa cấp: Phó Chánh án TAND Bắc Giang nói gì?

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy khi bị cáo được tại ngoại mà có dấu hiệu tiếp tục phạm tội thì Cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị cáo Vũ Ngọc Thuyển.

Dính án tù vẫn làm "sếp" đa cấp: Phó Chánh án TAND Bắc Giang nói gì?

Liên quan đến tin tức đối tượng Vũ Ngọc Thuyển, (SN 1976, trú tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang) vốn là giám đốc chi nhánh của MB24 bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 4 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" nhưng vẫn là sếp của một công ty đa cấp.

PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Thân Quốc Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang.

Ông Hùng cho biết, Thuyển bị tuyên phạt 4 năm tù giam từ ngày 28/1/2015. Tuy nhiên, sau đó, Thuyển làm đơn kháng cáo và hiện đang được tại ngoại.

Ông Hùng cũng cho hay là không hề biết Vũ Ngọc Thuyển hiện đang làm gì và ở đâu?

“Sau khi tòa xử xong, Thuyển kháng cáo và chờ phiên phúc thẩm. Còn ở ngoài anh ta làm gì thì sao chúng tôi nắm được. Trong phiên xét xử sơ thẩm chúng tôi đã không đưa ra biện pháp cấm đi ra khỏi nơi cư trú”, ông Hùng cho biết.

Dính án tù vẫn làm

Vũ Ngọc Thuyển (đứng ở giữa) với biển tên Phó CT HĐQT tại một hội nghị của Công ty CP Liên minh tiêu dùng.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Thương mại Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết: “Công ty cổ phần Liên minh Tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) được thành lập theo Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Công ty này được đăng ký lần đầu ngày 21/6/2013 do Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cấp. Thời điểm này,Vũ Ngọc Thuyển tham gia công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam với vai trò là Tổng giám đốc”.

Cũng theo lời ông Phương thì thời điểm đó, Thuyển đã được tại ngoại và hồ sơ xin cấp phép có đầy đủ chứng minh thư, giấy tờ tùy thân của Thuyển.

“Khi duyệt cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp cho công ty này, tôi không biết Vũ Ngọc Thuyển đang là tội phạm bị khởi tố mà chỉ căn cứ vào hồ sơ. Nếu biết, chúng tôi sẽ không cấp phép cho công ty Liên Minh Tiêu Dùng”, ông Phương cho biết thêm.

Được biết, sau khi Vũ Ngọc Thuyển ông Thuyển về làm việc tại Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam từ năm 2013, tại rất nhiều hội nghị, hội thảo của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, ông Thuyển được bố trí ngồi ở vị trí lãnh đạo với biển tên ghi rõ ràng: Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam. Không chỉ có thế, Thuyển còn nhiều lần lên báo trả lời với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty này….

Luật sư Lê Hồng Hiển, Trưởng VPLS Bắc Á, đoàn luật sư Hà Nội phân tích, theo quy định của pháp luật thì “cấm đi khỏi nơi cư trú” là một trong những biện pháp ngăn chặn quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (Điều 91 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Dính án tù vẫn làm

Luật sư Lê Hồng Hiển.

Còn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là một hình phạt bổ sung có thể được áp dụng đối với một số tội phạm nhất định.

Trong đó có “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 226b Bộ luật hình sự năm 2009 (sửa đổi).

Như vậy, căn cứ vào quy định Bộ luật hình sự (Khoản 5 Điều 226b Bộ luật hình sự) thì khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử có thể (có quyền) áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt bổ sung là: “Phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Ngoài ra, trong vụ án này, Vũ Ngọc Thuyển đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 4 năm tù giam (sơ thẩm) và Tòa án cấp phúc thẩm đang xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo Thuyển nên bản án sơ thẩm nêu trên vẫn chưa có hiệu lực.

Vì vậy, theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử chỉ được bắt tạm giam nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Việc đánh giá, xem xét này thuộc thẩm quyền và do Hội đồng xét xử quyết định.

Trả lời câu hỏi của PV, nếu người phạm tội có liên quan đến kinh doanh đa cấp, nay lại tiếp tục có trong ban lãnh đạo của Công ty đa cấp thì việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Luật sư Hiển cho rằng: “Trong trường hợp có căn cứ cho thấy khi bị cáo được tại ngoại mà có dấu hiệu tiếp tục phạm tội thì Cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị cáo Vũ Ngọc Thuyển”.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ