(GD&TĐ) - Nghị định số 134 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đào tạo lực lượng cán bộ của dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế xã hội vùng khó.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Đó là đánh giá chung tại hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định 134 do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tham gia của các địa phương, các trường có đào tạo cử tuyển, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chiều nay (11/9). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trì hội nghị.
Gần 13 nghìn HS được cử tuyển
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong 6 năm qua (2007 - 2013) đã có 12.805 học sinh được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ trên tổng 14.602 chỉ tiêu, đạt 88%. Số học sinh cử tuyển vào các trường TCCN trên 2000 em, là con em của 55/63 tỉnh thành trên cả nước.
Trong tổng số 12.805 học sinh cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ, có 83.9% học sinh vào 72 trường ĐH và 16,1% học sinh vào 32 trường CĐ và 2000 học sinh vào 25 trường TCCN.
Trên địa bàn cả nước, các địa phương đã cử con em các dân tộc thiểu số thuộc 48/54 dân tộc. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Mông chiếm 8,04%, Dao chiếm 5,58%.
Do các điều kiện khách quan, một số dân tộc trong 5 năm chỉ có dưới 10 học sinh cử tuyển như: dân tộc Co, Mảng, Rơ Măm, Cơlao, Gié –Triêng, Cống, Pà Thẻn, Lôlô. Đặc biệt, 6 dân tộc chưa có học sinh cử tuyển là Brâu, La Hủ, Lự, Ngái, Ơđu, Sila.
Một một số dân tộc như Bru-Vân Kiều, Chăm, Kháng, Pà thẻn, Tà ôi, Xinh Mun, tỷ lệ học sinh cử tuyển ngày một tăng. Các dân tộc này từ trước năm 2006 chưa có học sinh được cử tuyển, nay đã được các địa phương cử đi học.
Số HSSV cử tuyển đã được bố trí vào học tại các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ và tập trung đăng ký vào học các nhóm ngành Sư phạm (23.03%), Y tế (25,96 %), Kỹ thuật (15,55%), Nông lâm (12,91%), Kinh tế (16,82%), Xã hội nhân văn (5,11%), Nghệ thuật - TDTT (0,61%).
Trong 6 năm (2007-2013) đã có 12.805 học sinh được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ |
Vẫn nhiều băn khoăn
Điều băn khoăn nhất các đại biểu tham dự hội nghị đưa ra là số lượng sinh viên cử tuyển ra trường có việc làm. Theo báo cáo của các địa phương, chỉ có 62,2% sinh viên cử tuyển trình độ ĐH, CĐ được bố trí việc làm. Với hệ TCCN, tỷ lệ này cao hơn, đạt 95%.
Phân tích nguyên nhân, nhiều đại biểu cho rằng, hiện hệ cử tuyển muốn thi công chức cũng phải cùng tham gia với sinh viên các hệ đào tạo khác. Khi đó, với trình độ đầu vào thấp hơn, việc thi và đạt vào biên chế của sinh viên cử tuyển rất mong manh. Từ đó, nhiều người đề nghị có chính sách đồng bộ hơn để đối tượng này được hưởng những ưu tiên nhất định trong tìm việc làm sau khi ra trường.
Một thực tế nữa là sự mất cân đối về ngành nghề cử tuyển. Đa số sinh viên cử tuyển muốn vào những ngành hấp dẫn, có yêu cầu cao dẫn đến quá trình học tập gặp khó khăn. Nhiều sinh viên cử tuyển lưu ban nhiều năm, có những sinh viên 10 năm vẫn không ra trường được.
Trước thực trạng này, có ý kiến cho rằng, nhà trường nên tham gia chọn ngành cho sinh viên, không nên để mình địa phương hay bản thân sinh viên quyết định. Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu giải pháp để tuyển chọn sinh viên cử tuyển vào các ngành nghề hợp lý hơn.
Về kinh phí đào tạo, nhiều đại biểu đánh giá mức hưởng 80% lương tối thiểu để sinh hoạt và 50% lương tối thiểu cho trang thiết bị phục vụ quá trình học tập của sinh viên cử tuyển đã không còn phù hợp. Với mức hỗ trợ này, một số sinh viên nghèo phải bỏ học giữa chừng do gia đình không có điều kiện hỗ trợ thêm. Một số đại biểu đề nghị, một mặt tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các sinh viên cử tuyển; mặt khác, bổ sung phần chi phí đào tạo cho nhà trường; đồng thời nhất quán trong việc thanh toán chi phí đào tạo...
Cũng có đại biểu đề nghị địa phương nên có bộ phận chuyên trách quản lý sinh viên cử tuyển. Hiện nay hầu hết các địa phương không có bộ phận chuyên trách này. Thời gian xét cử tuyển cũng được đề nghị sớm hơn để các trường chủ động trong tuyển sinh và địa phương có thời gian lựa chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu.
Sẽ kiến nghị điều chỉnh Nghị định 134
Lắng nghe những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Ủy ban dân tộc sẽ cùng ngồi lại, thống nhất ý kiến để kiến nghị Chính phủ có điều chỉnh nhất định với Nghị định 134. Mục tiêu cuối cùng là đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, tách riêng chỉ tiêu cử tuyển, không tính vào chỉ tiêu theo thông tư 57; đồng thời nghiên cứu để các trường có đào tạo sinh viên cử tuyển cùng tham gia với địa phương khuyên học sinh hoặc phân bổ học sinh học những ngành phù hợp với chất lượng, yêu cầu đầu vào tối thiểu.
“Bộ GD&ĐT đã làm việc với Hội đồng dân tộc và Ủy ban dân tộc, đề nghị giao hệ cử tuyển về một đầu mối đó là Ủy ban dân tộc của Chính phủ.” – Thứ trưởng cho biết thêm.
Giải pháp thực hiện tốt chính sách cử tuyển Các địa phương chủ động xây dựng qui hoạch, kế hoạch đào tạo trong 5 năm; chú ý đến cơ cấu ngành nghề đào tạo, số lượng đào tạo trình độ đào tạo, cơ cấu thành phần các dân tộc trên từng địa bàn; ưu tiên hợp lý việc cử tuyển con em các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ được đào tạo ở trình độ đại học, cao đẳng; Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ cử tuyển từ cấp cơ sở đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, minh bạch trong xét tuyển lấy lại lòng tin của bà con dân tộc. Các trường đào tạo cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đối với học sinh, sinh viên diện cử tuyển, thực hiện tốt các chính sách, chế độ, các hoạt động văn hoá, thể thao cũng như các chế độ sinh hoạt, ăn, ở tại ký túc xá; quản lý chặt chẽ việc học tập và rèn luyện của từng học sinh, sinh viên; hàng năm, các trường đào tạo phải thông báo kết quả về học tập, rèn luyện, kết quả tốt nghiệp của từng học sinh, sinh viên. Các địa phương có bộ phận chuyên trách để phối hợp cùng với các trường đào tạo làm tốt công tác quản lý học sinh, sinh viên; Thực hiện nghiêm túc chính sách bồi hoàn chi phí đào tạo sau khi tốt nghiệp không chấp hành sự phân công công tác. |
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|