Điện thoại khoá mạng không còn hấp dẫn

Điện thoại khoá mạng là một xu hướng khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới khi người mua điện thoại sẽ được hưởng một mức giá mua máy thấp hơn thông thường.

Điện thoại khoá mạng không còn hấp dẫn

Nhưng đổi lại họ phải ký hợp đồng sử dụng dịch vụ của một nhà mạng duy nhất trong suốt thời gian hiệu lực của hợp đồng. Điều này đôi khi gây ra một số bất tiện.

Những rắc rối của điện thoại khóa mạng ở Mỹ

"Khoá" ở đây thực chất là một đoạn mã phần mềm được cài đặt trên điện thoại mà nhà sản xuất đưa vào máy theo yêu cầu của nhà mạng.

Khoá này đảm bảo rằng chiếc điện thoại không thể sử dụng được trên mạng của bất kỳ nhà mạng nào khác cho đến khi một mã phần mềm khác được nhập vào máy để mở khóa điện thoại.

Mã khoá này được áp dụng phổ biến trên các thiết bị hoạt động trên mạng GSM, một tiêu chuẩn mạng không dây được sử dụng bởi AT&T và T-Mobile tại Mỹ và hầu hết các nhà khai thác trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, châu Á, Canada, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Khi tiến lên 3G, các nhà mạng này sử dụng công nghệ 3G HSPA và HSPA + cũng là công nghệ dựa trên GSM.

Tất cả các thiết bị GSM được thiết kế để cung cấp dịch vụ thông qua một thẻ SIM. Với một điện thoại không bị khoá mạng, hoặc đã được bẻ khoá, thì người dùng có thể sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác một cách đơn giản là thay SIM khác.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt với các điện thoại được phát triển cho công nghệ mạng CDMA. Đây là công nghệ mạng viễn thông di động được sử dụng bởi nhà mạng Verizon Wireless và Sprint ở Mỹ.

Nó cũng được sử dụng bởi một số nhà mạng ở châu Mỹ Latinh, châu Á, và Canada. Tiêu chuẩn này không được sử dụng rộng rãi như GSM.

Các thiết bị CDMA không có thẻ SIM, vì vậy, bạn không thể sử dụng một chiếc điện thoại CDMA trên sóng di động của nhà mạng sử dụng công nghệ GSM và ngược lại. EV-DO là công nghệ 3G được sử dụng trên các mạng CDMA.

Không chỉ có vậy, các nhà mạng dùng công nghệ CDMA cũng không cho phép thiết bị mạng CDMA khác hoạt động trên mạng của mình. Điều này có nghĩa là, một chiếc điện thoại khóa mạng Verizon sẽ không thể sử dụng trên mạng Sprint, mặc dù Sprint cũng dùng công nghệ CDMA.

Nói cách khác, bạn không thể tái sử dụng một thiết bị Verizon trên Sprint và ngược lại. Trong khi đó, nếu sử dụng điện thoại GSM mở khóa hoặc SIM-free từ AT&T và T-Mobile thì các máy này có thể thoải mái hoạt động trên mạng của nhau. Việc sử dụng GSM linh hoạt hơn nhiều so với CDMA.

Điện thoại khóa mạng không thực sự phù hợp khi bạn đang nói về các thiết bị 2G và 3G hoạt động trên mạng CDMA hoặc EV-DO. Nhưng điện thoại khóa mạng GSM rất phổ biến và hầu như tất cả các thiết bị GSM bán ở Mỹ đều đi kèm một mã khóa được cài đặt từ trước theo một nhà mạng nào đó, một số ít còn lại được bán ở tình trạng mở khóa.

Và nếu bạn có một thiết bị khóa mạng, bạn có thể nhận được mã mở khóa từ nhà mạng nếu bạn đáp ứng các tiêu chí nhất định, bao gồm việc trả đúng mức giá thiết bị hoặc đã kết thúc hợp đồng với nhà mạng.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi công nghệ mạng mới LTE (còn gọi là 4G) đã phát triển và có mặt trên một số smartphone. Mặc dù cũng dùng thẻ SIM như công nghệ GSM, LTE không hoạt động trên cùng một tần số.

Ví dụ, để cung cấp các dịch vụ LTE của mình, AT&T và Verizon Wireless sử dụng các dải băng tần khác nhau, nghĩa là các thiết bị được thiết kế cho AT&T sẽ không hoạt động trên mạng LTE của Verizon và ngược lại.

Điều này dẫn đến một thực tế là, các smartphone sản xuất cho thị trường Mỹ sẽ có nhiều phiên bản khác nhau để tương thích với các nhà mạng khác nhau, và không ai đảm bảo một smartphone mở khóa của T-Mobile có thể tận dụng được vùng phủ sóng của AT&T và ngược lại.

Mãi đến gần đây các nhà sản xuất chip di động đã tích hợp thành công module thu phát sóng vô tuyến vào con chip của họ, trong khi các nhà khai thác không dây cũng đã bắt đầu tích hợp các dải băng tần trùng với đối thủ cạnh tranh vào mạng LTE của họ, do đó các thiết bị hỗ trợ LTE sẽ có khả năng tương tác với nhau nhiều hơn.

Các thiết bị ngày nay được sản xuất cho mạng Verizon và Sprint đã bao gồm khả năng bắt sóng GSM trên CDMA và LTE, cho phép thay đổi SIM để truy cập vào mạng GSM bất kỳ sau khi thiết bị được mở khóa.

Hiện nay ở Mỹ, các khách hàng của Verizon và Sprint có thể sử dụng cả mạng Verizon hoặc Sprint CDMA, đồng thời có thể tiếp nhận sóng GSM để các thuê bao có thể hoạt động trên các mạng ở châu Âu và những nơi khác trên thế giới.

Thuê bao Verizon và Sprint có thể lựa chọn một trong hai nhà mạng để đăng ký gói cước chuyển vùng quốc tế khi họ đi du lịch, hoặc, nếu họ sử dụng điện thoại mở khóa, họ có thể đổi SIM, mua một thẻ SIM mới từ một nhà cung cấp địa phương và sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, cho đến giờ, điện thoại mở khóa ở Mỹ vẫn chỉ phổ biến đối với các smartphone giá rẻ hoặc tầm trung chạy hệ điều hành Android với các thương hiệu như Asus, Alcatel, Nexus, HTC..., còn các hãng như Apple, Samsung, LG vẫn chủ yếu bán kèm hợp đồng nhà mạng.

Ngày càng nhiều người dùng muốn mua điện thoại không khóa mạng để có thể chủ động thay đổi nhà mạng hoặc gói cước muốn dùng, có thể đi khắp nơi trên thế giới mà không phải mua điện thoại khác.

Điện thoại mở khóa ở châu Âu: thoáng hơn nhiều

Tại châu Âu, bạn có thể dễ dàng mua điện thoại mở khóa và các điện thoại này có thể dễ dàng sử dụng với bất kỳ nhà mạng nào. Mọi nhà mạng ở châu lục này đều sử dụng công nghệ GSM nên người dùng di động có thể sử dụng cùng một thiết bị ở các nước châu Âu ngay cả khi các nhà mạng nâng cấp lên 3G hay 4G.

Điều này cho phép các nhà sản xuất điện thoại chỉ cần phát triển một dòng điện thoại cho toàn bộ thị trường châu Âu (thay vì mỗi mạng một kiểu như ở Mỹ), và nếu cần khóa mạng thì chỉ cần khóa SIM là xong.

Nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất châu Âu là hãng Carphone Warehouse có trụ sở tại Anh với chuỗi 2400 cửa hàng bán lẻ trên khắp châu Âu, cung cấp các gói ưu đãi riêng cho từng nhà mạng lớn đồng thời cũng bán những phiên bản máy SIM-free có giá hấp dẫn.

Trên thực tế, rất dễ mua một điện thoại Android mở khóa tại các cửa hàng châu Âu, tuy nhiên do nhân viên bán hàng sẽ được hưởng hoa hồng nhiều hơn nếu bán được máy kèm hợp đồng nên họ thường khuyên người mua chọn máy khóa mạng.

Trong một số tình huống, các cửa hàng có thể chỉ đơn giản là từ chối bán một chiếc điện thoại cao cấp không hợp đồng nếu như mẫu máy đó đang khan hàng. Thay vào đó, người mua có thể dễ dàng mua điện thoại không khóa mạng trên các cửa hàng trực tuyến được mở rất nhiều ở châu Âu.

Nhật Bản: giảm thời gian chờ mở khóa

Thị trường Nhật Bản vốn dĩ cực kỳ khắt khe với điện thoại khóa mạng. Theo báo Japantimes, một chiếc điện thoại được bán bởi một trong ba nhà mạng chính của Nhật Bản - NTT Docomo, KDDI và SoftBank - chỉ có thể sử dụng được dịch vụ của chính nhà mạng đó, có nghĩa là nếu bạn muốn chuyển đổi nhà mạng khác, bạn phải mua một điện thoại mới.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Nhật than phiền về chi phí cho dịch vụ viễn thông quá cao. Theo một khảo sát gần đây của chính phủ, các hộ gia đình Nhật Bản chi 112.453 yên/năm cho dịch vụ điện thoại, Internet và thông tin di động.

Tổng cộng, số tiền chi cho các dịch vụ này chiếm 3,72% của tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình và mức chi này cao hơn hầu hết các nước khác.

Người Nhật muốn tiết kiệm tiền bằng cách sử dụng điện thoại ít hơn, thay vào đó họ dùng các dịch vụ như Line và Skype để thực hiện các cuộc gọi qua Internet. Các gói cước "không giới hạn" trong hợp đồng với nhà mạng thực ra không cần thiết đối với họ vì họ hầu như không sử dụng hết, trong khi giá cước lại đắt.

Trước đây, để thu hút khách hàng, các nhà mạng Nhật sẵn sàng "tặng" khách hàng một chiếc điện thoại miễn phí rồi sau đó ký hợp đồng với cước phí hàng tháng cao.

Điều kiện để duy trì hợp đồng là khách hàng phải có phát sinh cước hàng tháng trong suốt 2 năm, nếu vi phạm hợp đồng thì ngoài việc phải nộp phạt đền, khách hàng phải trả hết số dư của giá của điện thoại.

Nhiều người đã lách luật bằng cách nhận một điện thoại miễn phí, unlock nó và bán lại với giá cao hơn mức tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên, từ tháng 5 năm nay, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã ra văn bản hướng dẫn đối với vấn đề mở khóa điện thoại di động, theo đó, các điện thoại mới mua có thể được mở khóa miễn phí nếu mua online, và khách hàng chỉ cần chờ 6 tháng kể từ khi mua điện thoại là được mở khóa. Không rõ đây có phải lý do mà gần đây rất nhiều iPhone khóa mạng Nhật được nhập về Việt Nam?

Việt Nam: điện thoại khóa mạng đắt hơn không khóa

Nhìn chung ở Việt Nam không phổ biến điện thoại khóa mạng và thực tế không có điện thoại khóa mạng đúng nghĩa.

Nếu như người tiêu dùng ở Mỹ được mua iPhone với giá rất rẻ (chỉ 199 USD cho phiên bản thấp nhất) với hợp đồng 2 năm, thì iPhone có hợp đồng nhà mạng và iPhone bản quốc tế do Viettel bán ra chỉ chênh nhau 700.000 đồng và giá máy Viettel ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn giá bán bản quốc tế trên thị trường, trong khi quyền lợi của các gói cước kèm theo máy khóa mạng không thực sự hấp dẫn người mua.

Tất cả các nhà mạng đều đã từng tung ra các điện thoại khóa mạng giá rẻ để bán với gói cước kèm theo nhưng đều không thu hút được nhiều người dùng.

Hiện tại, Viettel và VinaPhone chỉ phân phối iPhone khóa mạng, còn MobiFone đang là nhà mạng phân phối cho một loạt sản phẩm của Samsung, tuy nhiên các ưu đãi về gói cước kèm theo không đủ hấp dẫn khi mà giá máy cũng cao hơn phiên bản không khóa mạng mà người mua có thể dễ dàng tìm thấy trên thị trường.

Trong khi không phải chịu những quy định khắt khe về việc mua điện thoại không khóa mạng như ở các thị trường khác, người dùng Việt lại đang quá dễ dãi khi mua smartphone dưới dạng xách tay hoặc hàng bẻ khóa nhập về từ các thị trường khác (nơi mà điện thoại bẻ khóa khó tiêu thụ và sử dụng).

Phải chăng nguyên nhân nằm ở chính sách giá đối với điện thoại khóa mạng của các nhà mạng chưa đủ hấp dẫn?

Theo Vnreview

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ