(GD&TĐ) - Sau 4 năm triển khai thực hiện “Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến” thực tế đã cho thấy đây là cách làm thiết thực, bước đầu đem lại những hiệu quả như đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong đổi mới quản lý, tạo lập cơ chế, áp dụng chương trình và phương pháp giảng dạy mới, công nghệ đánh giá hiện đại.
Nhằm trao đổi những bài học kinh nghiệm từ việc triển khai Chương trình, Báo GD&TĐ mở Diễn đàn “Chương trình tiên tiến: hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo”. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến chia sẻ không chỉ từ các trường tham gia Chương trình mà còn từ phía các nhà quản lý, giảng viên ở các trường đại học mà hoạt động đào tạo đang hướng tới các chương trình tiên tiến đẳng cấp quốc tế. |
>>>Đối tác mạnh và nỗ lực lớn quyết định chất lượng đào tạo
>>>Trách nhiệm vươn tới chuẩn mực quốc tế
>>>Xây dựng và phát triển chương trình tiên tiến một cách linh hoạt
>>>Giải pháp khả thi để đổi mới GD đại học
>>>Sinh viên chương trình tiên tiến toàn diện hơn
>>>Những kinh nghiệm hay từ Đại học Khoa học Tự nhiên
>>>Chương trình tiên tiến: Bước đột phá tạo ra sự khác biệt
Một mô hình đào tạo nhiều triển vọng
Như vậy là sau 4 năm triển khai thực hiện “Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến”, đến nay trên cả nước đã có 23 trường đại học của Việt Nam hợp tác với 22 trường đại học trên thế giới, với 35 chương trình tiên tiến, với tổng số 2130 sinh viên đang theo học tại 20 chương trình thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ; 5 chương trình thuộc khối ngành kinh tế; 1 chương trình thuộc khối ngành khoa học sức khỏe; 6 chương trình thuộc khối ngành khoa học tự nhiên và môi trường, chương trình thuộc khối ngành nông nghiệp. Các đối tác nước ngoài đều là những đại học có uy tín, được xếp hạng trong top 200 theo bảng xếp hạng của US News. Nội dung các chương trình đào tạo, giáo trình, phòng thí nghiệm, giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học… cũng như việc kiểm định chất lượng, giám sát quá trình đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đều được xây dựng dựa trên những chuẩn mực của các đại học tiên tiến mà các trường hợp tác.
Học theo chương trình tiên tiến. |
Đánh giá về hiệu quả của các chương trình, GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng: “Chất lượng đào tạo các chương trình tiên tiến đã bước đầu được khẳng định. Các trường đại học tham gia đề án và các cơ quan quản lý của Bộ GD&ĐT đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong đổi mới quản lý, tạo lập cơ chế, áp dụng chương trình và phương pháp giảng dạy mới, công nghệ đánh giá hiện đại, nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế. Một số trường đại học Việt Nam đã thu hút được sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu như Đại học kinh tế quốc dân, Đại học Cần Thơ, Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa Hà Nội, Nông nghiệp Hà Nội, Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)”. Thực tế cho thấy, nếu khâu yếu nhất của sinh viên Việt Nam là tiếng Anh, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo thì Chương trình đã chủ động lấp chỗ trống này. Song song với kế hoạch đào tạo trên lớp, các trường đều có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Anh riêng tăng cường cho số sinh viên còn yếu để đảm bảo theo kịp với sinh viên khác trong lớp. Có thể nói, việc tổ chức dạy tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên được các trường quan tâm đúng mức.
Có thể nói, việc các giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy đã giúp giảng viên Việt Nam có cơ hội làm quen với công nghệ giảng dạy tiên tiến, đặc biệt năng lực chuyên môn và tiếng Anh của giảng viên Việt Nam được nâng lên đáng kể. Số lượng giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy các CTTT pha 1 tuy mới chỉ đạt trên dưới 50% so với kế hoạch của các trường, nhưng điều này đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các nhà trường. Trong số đó phải kể tới Đại học Đà Nẵng mời được 39 lượt GV/1CT được phân bố đều ở cả 4 khóa; Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Tp.HCM), 2 khóa đầu mời được 28 lượt GV/1CT; Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), 4 khóa mời được 29 lượt GV/1CT. Nhưng cũng có một số trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ mời được 9 lượt giảng viên cho 3 khóa/2CT; Trường Đại học Cần Thơ, 2 khóa mời được 16 lượt giảng viên; các trường còn lại cũng chỉ mời được 30-40% giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy theo kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân khiến các trường gặp khó khăn trong việc mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy là do trường đối tác đòi hỏi kinh phí quá cao, hoặc các giáo sư không sắp xếp được thời gian. Việc này đã ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện mục tiêu của CTTT là đảm bảo những khóa đầu 100% các môn học do giảng viên nước ngoài đảm nhiệm. Hơn nữa, thời gian giảng dạy của một số giảng viên nước ngoài ngắn từ 2 đến 3 tuần nên sinh viên phải chịu áp lực lớn về khối lượng học tập, không có đủ thời gian chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Để khắc phục hạn chế nêu trên, một số trường đã bố trí kết hợp giữa giảng viên nước ngoài và Việt Nam cùng tham gia giảng dạy. Một số trường mời giảng viên nước ngoài vào dịp nghỉ hè của trường bạn nên có nhiều thời gian hơn cho môn học.
Còn đối với giảng viên trong nước, một thực tế có thể dễ dàng nhận thấy là phần lớn giảng viên trong nước tham gia giảng dạy CTTT đều đã tham gia giảng dạy ở nước ngoài hoặc các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh khác, trình độ chuyên môn tốt đảm bảo các yêu cầu giờ học của trường đối tác, nhiều giảng viên Việt Nam năng động, tiếng Anh tốt, có phương pháp giảng dạy tiên tiến nên các giờ giảng đạt hiệu quả cao. Đến nay, ở các CTTT pha 1 đội ngũ giảng viên trong nước đang dần thay thế giảng viên nước ngoài, trở thành lực lượng chủ yếu để tham gia giảng dạy CTTT trong những năm tới. Song song với đó, một số trường có đội ngũ trợ giảng mạnh, năng động, được phân công nhiệm vụ rõ ràng, ngoài việc giúp giảng viên hướng dẫn, chữa bài tập, chấm bài kiểm tra còn tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập, đảm bảo đúng phương thức và mô hình trợ giảng tại trường đối tác. Việc sử dụng học viên cao học, NCS tham gia trợ giảng của CTTT được đánh giá là một mô hình tốt cần được phổ biến, nhân rộng cho các cơ sở đào tạo khác.
Không chỉ có vậy, để nâng cao chất lượng giảng viên tham gia các CTTT, các trường đã chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy cho giảng viên theo các chuẩn mực của trường đối tác. Hầu hết các trường đều gửi giảng viên sang các trường đối tác để bồi dưỡng chuyên môn hoặc mời cán bộ trường đối tác sang tập huấn cho giảng viên trường mình từ 3 đến 6 tháng. Tính đến nay, các trường pha 1 đã cử 235 giảng viên và pha 2 đã cử 222 giảng viên đi tập huấn chuyên môn, dự giờ, thực tập tại trường đối tác. Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã cử 92 giảng viên; Trường Đại học Thủy lợi đã cử 63 giảng viên đi bồi dưỡng chuyên môn tại trường đối tác… Có thể thấy, qua các đợt tập huấn và bồi dưỡng, giảng viên đều tiếp thu được các kiến thức chuyên sâu trong CTĐT, công nghệ giảng dạy và phương pháp kiểm tra, đánh giá của trường đối tác, được trường đối tác đánh giá cao.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của các Chương trình này là cơ sở vật chất thì các trường thực hiện CTTT đều cố gắng nâng cấp hoặc xây dựng mới, bổ sung trang thiết bị các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện,... để đáp ứng yêu cầu của chương trình. Ngoài ra, các trường còn bố trí phòng học nhóm, phòng tư vấn hỗ trợ sinh viên. Đến nay, đã có một số trường có phòng học nhóm được trang bị bàn ghế, tài liệu và máy tính phục vụ việc tra cứu của sinh viên (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng) … đều có văn phòng CTTT, bố trí cán bộ chuyên trách quản lý chương trình, lập kế hoạch mời giảng viên và giúp đỡ sinh viên. Các trường đang cố gắng cùng trường đối tác xây dựng phòng thí nghiệm, biên soạn các bài thí nghiệm. Tuy nhiên, phần lớn trường thực hiện đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ đều chưa có điều kiện xây dựng phòng thực hành, thí nghiệm như yêu cầu của trường đối tác vì yêu cầu kinh phí khá lớn. Các trường đều có thư viện CTTT riêng hoặc 1 khu riêng nằm trong thư viện chung của trường. Một số trường có trung tâm học liệu hiện đại, tài liệu phong phú (Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Năng). Sinh viên của một số trường được truy cập vào thư viện của trường đối tác. Hầu hết phòng học CTTT được nối mạng, có trường trang bị hệ thống Wifi tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và sinh viên trong giảng dạy và học tập.
Tuy rằng vẫn còn có những hạn chế cần tháo gỡ, nhưng về cơ bản các trường đã thực hiện được mục tiêu đề ra và thu được một số kết quả nhất định: Đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao từ đội ngũ lãnh đạo trường, cán bộ quản lý các khoa, tổ bộ môn đến đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia quản lý và giảng dạy CTTT. Chính sự chủ động này đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khoa, tổ bộ môn thực hiện nên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, khẳng định tính khả thi và sự thành công của Đề án.
Thành Nam