LTS: Câu Nghị luận xã hội (NLXH) trong đề thi tốt nghiệp môn Văn năm 2013 đang nhận được rất nhiều ý kiến bình luận đa chiều của những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Nhiều người cho rằng đề Văn mở, lại yêu cầu trình bày suy nghĩ về một hiện tượng có tính thời sự nên học sinh có phần bất ngờ, lúng túng. Và cũng có ý kiến cho rằng, đáp án đóng sẽ ảnh hưởng quyền lợi học sinh khi ‘cởi mở” trình bày quan điểm trái chiều. Xung quanh việc này nên nhận thức như thế nào?
Niềm vui của thí sinh Nghệ An sau môn thi Ngữ văn. Ảnh: gdtd.vn |
ĐÁP ÁN MỞ NHƯNG PHẢI DỰA TRÊN NỀN TẢNG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC NHÂN VĂN TRUYỀN THỐNG
"Đề văn mở không phải là hiện tượng lạ trong dạy Văn, học Văn hiện nay. Tuy nhiên, đáp án như thế nào cho đề mở vẫn là điều cần tiếp tục hoàn thiện. Về đáp án định hướng cho người chấm tốt nghiệp môn Văn năm 2013 đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Đáp án cần có độ mở cần thiết nhưng phải dựa trên trền tảng của những chuẩn mực đạo đức, những giá trị nhân văn, truyền thống." - Cô giáo Nguyễn Thị Liễu Hoàn, Tổ Văn, Trường THPT chuyên Quảng Bình (Quảng Bình). |
Thực tế, đề Văn mở không gây bất ngờ, lúng túng cho cả giáo viên lẫn học sinh, nếu xét cả quá trình học Văn trong nhà trường phổ thông.
* Về phía học sinh:
Thực ra HS đã được làm quen với NLXH từ THCS và được củng cố liên tục về lí thuyết và thực hành trong suốt 3 năm THPT. SGK Ngữ Văn 12 tập 1, trang 66, đã có bài “Nghị luận về một hiện tượng đời sống”.
Trong đó, đã giới thiệu cho HS làm quen với dạng đề mở về người thật việc thật qua bài “Chia chiếc bánh của mình cho ai?” viết về Nguyễn Hữu Ân “thanh niên trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh 2007”, chàng sinh viên nghèo này đã dành hết chiếc bánh thời gian của mình cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Qua đó HS đã được rèn luyện kĩ năng bày tỏ ý kiến, quan điểm về một hiện tượng đời sống
Nguyễn Văn Nam là một gương sáng người thật việc thật, lại đồng trang lứa với những HS đang trong kì thi tốt nghiệp này nên khơi mở nhiều suy nghĩ, cảm xúc; kích thích HS bày tỏ thắng thắn, chân thật quan điểm của cá nhân. Vì thế, nội dung bài làm Văn thi tốt nghiệp năm nay hứa hẹn sẽ phong phú, đa dạng với nhiều luồng ý kiến.
* Về phía người ra đề:
- Từ năm 2009 đến nay, vì có câu NLXH, đề Văn có nhiều đổi mới, đưa Văn đến gần đời hơn. HS học Văn, làm Văn không chỉ trau dồi năng lực ngôn ngữ, tư duy, mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách, kĩ năng sống.
Tất nhiên không thể ảo tưởng rằng sau khi làm một bài văn ngắn HS sẽ thay đổi nhận thức, lối sống. Nhưng trong thời đại này, khi sự coi trọng vật chất khiến những giá trị tinh thần cao đẹp mai một thì việc đưa ra những vấn đề có ý nghĩa nhân văn để HS bàn luận là một dịp để các em suy nghĩ nghiêm túc và sâu sắc về giá trị đích thực của cuộc sống.
Tuy nhiên có những đề NLXH đưa ra những vấn đề rất nhân văn và thiết thực nhưng lại vượt quá tầm nhận thức của HS, khiến các em lúng túng.
- Hai năm gần đây, đề Văn ngày càng bám sát những vấn đề thời sự thiết thực với lứa tuổi, phù hợp với tầm nhận thức của HS.
Năm 2012, đề thi ĐH khối D nêu vấn đề “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Đề ra này được nhiều phụ huynh và HS hết lời ca ngợi, những cũng có những HS phản ứng lại nhận định này bằng cách bỏ trắng bài thi!
Sự phân cực thái độ đã cho thấy đó là một đề Văn mở và hay, kích hoạt những ý kiến trái chiều và phân loại được HS.
* Về phía người chấm:
Không thể phủ nhận được ý nghĩa tích cực của đề Văn mở và xu thế ngày càng phổ biến của loại đề Văn này. Đề mở cần có đáp án mở. Nhưng đáp án, hướng dẫn chấm trong những năm qua chưa có một độ mở tương xứng, vẫn nặng về áp đặt ý kiến, quan điểm của người ra đề.
So với thực tế đó, thì đáp án định hướng cho người chấm tốt nghiệp môn Văn năm 2013 đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Sau phần định hướng nội dung của mỗi câu đều có mục lưu ý. Mục này đã thể hiện rõ thái độ trân trọng, ghi nhận những ý kiến, cách nhìn nhận sáng tạo, khác biệt của HS. Do đó, người chấm phải linh hoạt, không gò bài làm HS theo đáp án một cách cứng nhắc.
- Câu 1, câu 3 trong đề thi là NLVH nên đáp án chỉ có một lưu ý nhỏ, riêng câu 2 NLXH nên đáp án có 3 lưu ý rất thoáng. Đó là những chỉ dẫn phù hợp với đề Văn mở. Theo đó, nếu thí sinh có những kiến giải riêng mà hợp lí thì vẫn được chấp nhận; nếu thí sinh có kĩ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa; Không cho điểm những thí sinh có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
Đề Văn mở kích thích HS bày tỏ quan điểm cá nhân nên chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Đáp án cần có độ mở cần thiết để tiệm cận với thực tiễn bài làm rất phong phú của HS.
Tuy nhiên đề mở, đáp án mở phải dựa trên trền tảng của những chuẩn mực đạo đức, những giá trị nhân văn, truyền thống. Nên độ mở cũng có giới hạn, không thể thừa nhận những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
Nguyễn Thị Liễu Hoàn