Điểm tựa cho ngư dân bám biển

GD&TĐ - Sau 5 năm ra đời, các nghiệp đoàn nghề cá ở tỉnh Quảng Ngãi đang ngày một lớn mạnh. Nghiệp đoàn nghề cá đã thực sự là chỗ dựa cho đoàn viên và bà con ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, giúp nhau khi rủi ro, hoạn nạn.

Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Nghiệp đoàn nghề cá trở thành nơi tập hợp, gắn kết ngư dân phát triển kinh tế biển, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh lãnh hải của quốc gia.

Ngư dân vững tâm phát triển kinh tế biển

Ngày 15/9/2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp thành lập thí điểm nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong cả nước - Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Một năm sau đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thành lập và phát triển tổ chức nghiệp đoàn nghề cá ra cả nước. Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, đến nay đã phát triển được 10 nghiệp đoàn nghề cá; trong đó, có 4 nghiệp đoàn nghề cá ở huyện Đức Phổ, 2 nghiệp đoàn ở huyện Bình Sơn, 2 ở thành phố Quảng Ngãi và 2 ở huyện đảo Lý Sơn.

Nghiệp đoàn nghề cá ra đời đã tập hợp, liên kết ngư dân trên biển để đánh bắt cá ở các vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa, vừa phát triển kinh tế biển, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh lãnh hải của quốc gia.

Là nghiệp đoàn nghề cá ra đời đầu tiên trong cả nước - Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn) đến nay đã phát triển được 17 tổ nghiệp đoàn với 676 đoàn viên của 49 tàu đánh bắt xa bờ. Theo ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, nhờ có nghiệp đoàn nghề cá mà hiện nay ngư dân ra khơi không còn đơn lẻ. Ngư dân, các tàu đánh bắt, khai thác hải sản nương tựa vào nhau, bảo vệ cho nhau trước thiên tai, địch họa của biển khơi. Khi gặp tai nạn, ngư dân tự cứu giúp nhau, cùng nhau bám biển, khai thác nguồn lợi hải sản từ vùng biển đảo.

Ông Chinh cho biết thêm: “Có thể khẳng định rằng, từ khi có nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân Lý Sơn đã kề vai, sát cánh cùng nhau phát triển kinh tế biển. Trong mỗi chuyến ra khơi, ngư dân có thêm thời gian khai thác, đánh bắt, giảm bớt chi phí đáng kể, tăng thu nhập cho gia đình đoàn viên. Nghiệp đoàn nghề cá thật sự trở thành điểm tựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân về mặt tinh thần cũng như vật chất, cùng nhau phát triển nghề nghiệp, ổn định cuộc sống cho mối gia đình đoàn viên”.

Theo bà Ngô Thị Kim Ngọc – nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi, đến nay 10 nghiệp đoàn nghề cá ở tỉnh Quảng Ngãi có 6.048 đoàn viên, với 184 tổ nghiệp đoàn của 796 tàu cá. Sau 5 năm thực hiện Chương trình Hành động về chiến lược biển Việt Nam (2010 -2015) cũng là 5 năm Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo việc thành lập, duy trì và hoạt động các nghiệp đoàn nghề cá tại các địa phương. Từ đó, việc ra khơi đơn lẻ của ngư dân đã giảm và đoàn viên đã gắn kết khi ra khơi, vừa chia sẻ ngư trường đánh bắt, vừa trao đổi thông tin và giúp nhau khi rủi ro, hoạn nạn.

“Mặt khác, với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ các suất học bổng cho con em ngư dân; sửa chữa, xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cho con em và gia đình các đoàn viên; xây dựng trường học cho con em nghiệp đoàn nghề cá; tiến hành hỗ trợ các tàu thuyền khi gặp rủi ro, hoạn nạn… Qua những điều đó có thể khẳng định được nghiệp đoàn nghề cá và công đoàn các cấp đã thực sự là chỗ dựa cho đoàn viên và bà con ngư dân an tâm vươn khơi bám biển tham gia phát triển kinh tế”, bà Ngọc cho biết thêm.

Cần có cơ chế hỗ trợ nghiệp đoàn nghề cá phát triển

Bên cạnh những thuận lợi ấy, trong thời gian qua, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, ngư dân cả nước nói chung đang gặp không ít khó khăn. Ngoài việc rủi ro về thiên tai, hoạn nạn khi đánh bắt trên biển, ngư dân còn đối diện với nhiều nguy hiểm do thường xuyên bị tàu nước ngoài truy đuổi, nhất là tàu Trung Quốc tấn công, xua đuổi khi đang đánh bắt cá trên ngư trường quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tình trạng này đã làm cho người đi biển không ít hoang mang, lo lắng và có những ngư dân bị mất trắng tài sản, phương tiện làm ăn, đời sống lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Nhất là những năm gần đây, ngư dân thường bị các tàu lạ, nhất là các tàu Trung Quốc đe dọa, đánh đập thuyền viên, phá hủy tàu thuyền, ngư lưới cụ, lấy cướp hải sản trên tàu ngư dân liên tiếp xảy ra.

Chính vì vậy, làm thế nào để duy trì, phát triển, nâng cao hoạt động nghiệp đoàn nghề cá là vấn đề hết sức trăn trở của chính quyền, liên đoàn lao động và các nghiệp đoàn nghề cá địa phương, nhằm tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân trong những chuyến ra khơi, khẳng định sự có mặt của ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, mỗi ngư dân là mỗi cột mốc sống trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi nói như bà Ngô Thị Kim Ngọc, hiện nay sự hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá gặp rất nhiều khó khăn, cơ chế chính sách từ Chính phủ chưa có; sự hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn của ngành dọc và Bộ NN&PTNT chưa sâu, chưa thường xuyên nên Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo hoạt động theo tích lũy kinh nghiệm tại địa phương, còn nhiều lúng túng.

Một điều đáng trăn trở nữa là hiện nay vẫn còn có nội dung cơ bản chưa được giải quyết đó là hỗ trợ hàng tháng cho chủ tịch, phó chủ tịch các nghiệp đoàn nghề cá không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Mong rằng trong thời gian tới, chế độ hỗ trợ cho đối tượng trực tiếp này sớm được xem xét thực hiện. Để hoạt động nghiệp đoàn nghề cá các xã tiếp tục duy trì ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ