Theo Bộ Y tế, tại nước ta dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước, trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận số mắc cộng đồng 7.500 ca mỗi ngày và 8 ca tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Bộ Y tế nhấn mạnh vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; Tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 604.000 ca mắc Covid-19 và 2.395 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 511 triệu ca, trong đó trên 6,25 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (124.863 ca), Italy (87.940 ca) và Hàn Quốc (76.761 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (304 ca), Đức (245 ca) và Mỹ (216 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82,8 triệu ca mắc Covid-19 và trên 1,01 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 522.000 ca tử vong. Thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong
Ngày 26/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc Covid-19, cho rằng thế giới đang "xem nhẹ" cách thức virus lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm.
Phát biểu họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva, người đứng đầu WHO nêu rõ trong tuần qua, WHO nhận được báo cáo về hơn 15.000 ca bệnh không qua khỏi do Covid-19, mức theo tuần thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Dù đây là xu hướng đáng hoan nghênh, song khi mà nhiều nước giảm xét nghiệm, WHO sẽ ngày càng nhận được ít thông tin về cách thức lây lan và giải trình tự. Điều này khiến thế giới ngày càng khó nắm bắt được các mô hình lây truyền và tiến hóa của virus.
Hà Nội: Số ca mắc Covid-19, chuyển nặng sẽ tiếp tục giảm, tuy nhiên khó kết thúc sớm
Tại cuộc giao ban trực tuyến với các quận huyện của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội, ông Vũ Cao Cương - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 20-26/4, trung bình Hà Nội ghi nhận 972 ca bệnh/ngày, giảm 28,9% so với kỳ báo cáo trước (trung bình 1.368 ca ca bệnh/ngày).
Từ ngày 16/4, Hà Nội đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trên toàn địa bàn. Số trẻ đã được tiêm là 122.952 trẻ, đạt 40,5%.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố đã kiểm soát tốt tình hình dịch. Trong đó, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã đưa cấp độ dịch về cấp độ 1, thành phố bước sang trạng thái bình thường mới.
Dự báo, thời gian tiếp theo, dịch đã bước vào giai đoạn giảm mạnh, số ca mắc, chuyển nặng sẽ tiếp tục giảm, tuy nhiên, khó kết thúc sớm do đó các địa phương cần quan tâm và điều trị nhằm giảm tử vong; hệ thống y tế dần trở về trạng thái bình thường mới.
Nhằm đảm bảo cho người dân Thủ đô yên tâm nghỉ lễ và kỳ SEA Games 31 diễn ra thuận lợi, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mà phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và khử khuẩn.
Các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi bảo đảm an toàn trong công tác tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.