Đi vào nơi sâu nhất của đại dương

GD&TĐ - Trong những năm 1960, hầu hết mọi người trên thế giới đều hướng ánh mắt về phía bầu trời để tìm kiếm những điều mới lạ.

Don Walsh (trái) và Jacques Piccard, hai người đầu tiên chạm đến độ sâu nhất của đại dương.
Don Walsh (trái) và Jacques Piccard, hai người đầu tiên chạm đến độ sâu nhất của đại dương.

Nhưng cũng có một số ít chọn nơi thám hiểm khác - điểm sâu nhất ở đại dương. Họ đã xuống đến độ sâu gần 11km dưới bề mặt Thái Bình Dương và phát hiện nhiều điều thú vị.

Khám phá từ hơn 100 năm trước

Rãnh Mariana ở Thái Bình Dương dài 1.580 dặm (2.542,764km), được xem là rãnh đại dương sâu nhất thế giới và vực thẳm Challenger là điểm sâu nhất của nó (10.935m dưới mặt nước).

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về Challenger nhưng việc khám phá nơi sâu thẳm này đã bắt đầu từ hơn 100 năm trước.

Vào cuối năm 1872, một tàu chiến của Anh tên là HMS Challenger đã được chuyển đổi thành tàu thám hiểm khoa học lên đường để tìm hiểu thêm về “nhiệt độ đại dương, thành phần hóa học của nước biển, dòng hải lưu, sinh vật biển và các đặc tính địa chất đáy biển”.

Được dẫn đầu bởi các nhà tự nhiên học John Murray và Charles Wyville Thompson, Challenger mang theo các thiết bị lấy mẫu bùn, đá và lưới để bắt động vật ở nhiều độ sâu khác nhau cùng các dây dò để đo độ sâu.

Đến tháng 3 năm 1875, tàu Challenger đang cố gắng cập bến ở Guam thì một cơn bão đã đẩy nó ra khỏi vị trí. Trong khi xác định các bước tiếp theo của cuộc hành trình, đoàn thám hiểm quyết định đo dộ sâu bên dưới con tàu. Họ vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi thiết bị ghi khoảng cách này là 4.475 sải, hay 26.850 feet (8.183m), nơi sâu nhất của đại dương vào lúc đó.

Năm 1951, 75 năm sau chuyến thám hiểm đầu tiên, HMS Challenger II quay trở lại địa điểm cũ. Thủy thủ đoàn đã tiến hành đo và xác nhận chuyến thám hiểm trước đó đã xác định được phần sâu nhất của đại dương. Từ đó, vực thẳm này được đặt tên Challenger để vinh danh hai cuộc thám hiểm kể trên.

Chưa đầy một thập niên sau, con người lần đầu tiên đã xuống tận nơi để khám phá Challenger Deep.

Vị trí rãnh Mariana và vực thẳm Challenger.

Vị trí rãnh Mariana và vực thẳm Challenger.

Thám hiểm nơi sâu nhất đại dương

Xác định độ sâu của vực thẳm Challenger Deep từ bề mặt đại dương là một chuyện, còn đi xuống nơi sâu nhất của hành tinh lại là một điều hoàn toàn khác. Nhưng đó chính là điều mà nhà hải dương học người Thụy Sĩ, Jacques Piccard và Trung úy Hải quân Hoa Kỳ, Don Walsh quyết tâm thực hiện.

Trong một nhiệm vụ được giữ bí mật, cả hai lên đường vào ngày 23/1/1960 để khám phá vực thẳm Challenger. Bên trong một quả cầu điều áp chật chội của tàu lặn Trieste, hai người đàn ông ngồi co ro, hầu như không di chuyển trong gần năm giờ đồng hồ để xuống rãnh Mariana, cách Guam khoảng 300km về phía Tây Nam.

Thế giới nước bên ngoài cửa sổ của quả cầu được chiếu sáng bởi một chùm tia cực mạnh. Chùm tia này nhanh chóng trở thành nguồn sáng duy nhất khi ánh sáng Mặt trời không còn trong quá trình đi xuống. Việc đi xuống mất 5 giờ căng thẳng. Piccard viết rằng, Trieste di chuyển với tốc độ “của một chiếc thang máy cũ” và ông cùng Walsh bắt đầu quan sát các sinh vật phù du phát quang trong vùng nước tối.

Cuối cùng khi đến đích, hai người đàn ông hồi hộp, cố gắng liên lạc với đội của họ ở căn cứ bằng một thiết bị được chế tạo đặc biệt. Họ không chắc liệu mình có thành công hay không vì trước đây chưa từng có hoạt động truyền tải kiểu này được thực hiện.

Thế rồi họ thở phào nhẹ nhõm khi nghe một giọng nói từ đầu dây bên kia: “Tôi nghe thấy bạn yếu nhưng rõ. Hãy nhắc lại độ sâu”. Walsh đắc thắng trả lời họ đã chạm tới phần sâu nhất của đại dương, cách mặt biển gần 7 dặm.

Piccard và Walsh ở dưới đáy biển khoảng 20 phút để quan sát khoa học. Sau đó, họ bắt đầu trở lên bề mặt. Sau vài giờ, nước biển chuyển từ đen sang xám rồi xanh. Cuối cùng, Piccard và Walsh nổi lên khỏi mặt nước. Họ là những người đầu tiên đến thăm phần sâu nhất của đại dương.

Phải mất hơn 5 thập niên sau, con người mới lại chạm đến vực thẳm Challenger.

Vào ngày 26/3/2012, James Cameron đạo diễn của bộ phim Titanic nổi tiếng bước vào một chiếc tàu lặn do ông đồng thiết kế để xuống vực thẳm Challenger. Ông trở thành người thứ ba trong lịch sử đến được phần sâu nhất của đại dương và là người đầu tiên thám hiểm một mình.

Không giống như những nhà thám hiểm trước, đạo diễn chỉ mất khoảng hai tiếng rưỡi để đi hết quãng đường gần bảy dặm tới vực thẳm Challenger. Tàu của Cameron được trang bị thiết bị lấy mẫu từ đáy đại dương, cũng như máy quay video 3D mà ông đã sử dụng để quay cảnh cho bộ phim tài liệu Deepsea Challenge năm 2014 của mình.

Cũng giống như Walsh và Piccard, Cameron đã trải qua những khoảnh khắc gian nan trong quá trình đi xuống. Do áp lực nước quá lớn, một số bộ phận trên tàu lặn bắt đầu gặp trục trặc. “Một số pin của tôi sắp hết, la bàn bị trục trặc và sóng siêu âm đã hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, tôi đã mất hai trong số ba bộ đẩy bên mạn phải nên tàu ngầm chạy chậm và khó điều khiển”.

Nhưng bất chấp những thách thức này, Cameron vẫn dành ba giờ ở vực thẳm Challenger để chụp ảnh, quay phim và thậm chí còn ghi lại 68 loài mới (hầu hết là vi khuẩn) trước khi quay trở lại.

Sau đó, vào năm 2019, nhà thám hiểm Victor Vescovo - người từng leo lên đỉnh Everest - đã xuống vực Challenger trên chiếc tàu ngầm mà ông đặt làm, Limiting Factor. Vào tháng 6/2020, Victor Vescovo đã mạo hiểm vào Challenger cùng với Kathryn Sullivan, người phụ nữ Mỹ đầu tiên đi bộ trong không gian. Bà trở thành người duy nhất vừa bay lên vũ trụ, vừa lặn xuống đáy biển.

Đến nay đã có hơn 20 nhà thám hiểm đã đi xuống vực sâu của đại dương và ghi lại cảnh quan kỳ lạ ở đây. Mặc dù không có ánh sáng, nhiệt độ trên mức đóng băng và áp suất gấp hơn 1.000 lần áp suất khí quyển tiêu chuẩn ở mực nước biển nhưng ở Challenger vẫn có bằng chứng về sự sống. Các nhà khoa học đã ghi nhận sự có mặt những loài nhỏ bé như sinh vật phù du, hải sâm và bọ chét biển ở nơi này.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.