Theo đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở VH&TT TP Đà Nẵng đã thống nhất phương án mở cửa đón khách tham quan đối với di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân từ ngày 1/8/2024.
Đặc biệt di tích Hải Vân Quan sẽ miễn phí tham quan cho người dân, du khách cho đến khi thống nhất được việc xây dựng bảng giá vé phù hợp cho di tích này.
Hải Vân Quan là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân. Công trình nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển trên vùng giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương.
Di tích Hải Vân Quan được xây dựng từ đời nhà Trần và được trùng tu dưới thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7, 1826).
Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm “Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo”, tức là làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).
Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy, triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.
Ngày 14/4/2017, di tích Hải Vân Quan đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia (loại hình di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật).
Ngày 19/12/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở VH&TT TP Đà Nẵng khởi công Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%, thời gian thực hiện đến hết năm 2023.
Ngày 25/7/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 1779/QĐ-UBND Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt điều chỉnh dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Đến nay, việc tu bổ di tích Hải Vân Quan đã hoàn thành và sẵn sàng mở cửa đón khách tham quan.