'Di sản chính trị' quý báu Tổng Bí thư để lại sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa

GD&TĐ - Tiến sĩ Lê Xuân Thảo nhận định, di sản chính trị quý báu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa.

Vợ chồng tiến sĩ Lê Xuân Thảo mang những tấm hình chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra ôn lại ký ức.
Vợ chồng tiến sĩ Lê Xuân Thảo mang những tấm hình chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra ôn lại ký ức.

“Nhớ mãi cái bắt tay ấm áp”

Những ngày này, vợ chồng tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Lê Bích Thắng (Hoằng Hoá, Thanh Hoá), lại mang những tấm ảnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra ôn lại kỷ niệm.

Với bà ông bà, đó là những tư liệu quý giá có được khi được gặp gỡ, trò chuyện cùng Tổng Bí thư.

Bà Thắng cho biết, bà là cựu cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và vinh dự vì là thế hệ "đàn em" của Tổng Bí thư được đào tạo tại Liên Xô.

Bà Thắng còn thấy vinh dự hơn nữa khi trong quá trình công tác, được nhiều lần gặp Tổng Bí thư.

Đặc biệt, năm 2023, bà được gặp gỡ, nắm tay, trò chuyện cùng Tổng Bí thư trong Hội nghị “60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam”.

Anh 1- Tong Bi thu.jpg
Bà Thắng nhớ mãi cái nắm tay ấm áp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và câu chuyện gần gũi mộc mạc, chân tình của ông.

Ấn tượng của bà Thắng về Tổng Bí thư là một người mẫu mực, tận tụy, hết lòng vì dân vì nước. Ông cũng là người rất cởi mở, chân tình, gần gũi.

"Bàn tay của Tổng Bí thư rất ấm, tôi được nắm tay Tổng Bí thư và trò chuyện với ông suốt 20 phút đồng hồ”, bà Thắng nhớ lại.

Trong buổi gặp gỡ này, bà Thắng còn nhớ rất rõ đã nói với Tổng Bí thư rằng: “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, giới khoa học trí thức rất ủng hộ, toàn dân rất phấn khởi. Chúng em mong muốn Tổng Bí thư luôn có thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục công cuộc chống tham nhũng của Đảng, của Chính phủ”.

Cựu cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng tuổi già không ai chống lại được sinh lão bệnh tử.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất rất lớn, để lại niềm thương tiếc sâu sắc trong Nhân dân. Đây là những ngày đau buồn của cả dân tộc Việt Nam”, bà Thắng nói.

Trân trọng “di sản chính trị” mà Tổng Bí thư để lại

Cùng chung tâm trạng như vợ của mình, khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC (Quỹ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam) bày tỏ niềm kính trọng và tiếc thương vô hạn dành cho Tổng Bí thư.

Tiến sĩ Lê Xuân Thảo tâm sự, ông là người vinh dự được Tổng Bí thư thời điểm còn là Bí thư Thành uỷ Hà Nội trao Huy chương Lao động Hạng 3 vào năm 2002.

“Lần gặp Tổng Bí thư gần đây nhất là vào năm ngoái, dịp gặp mặt đội ngũ trí thức và các nhà khoa học. Tôi nhớ mãi lời căn dặn của Tổng Bí thư, trong khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tổng Bí thư nhắc lại lời Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là “Khoa học - Công tâm - Liêm khiết - Hiệu quả”, tiến sĩ Thảo nhớ lại.

Anh 3- Tong Bi thu.jpg
Ông Thảo chụp ảnh cùng Tổng Bí thư trong buổi gặp mặt các trí thức, nhà khoa học vào năm 2023.

Theo ông Thảo, khi đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nhà nước phải đặc biệt quan tâm, có chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học, chăm lo đời sống của các nhà khoa học để các nhà khoa học đổi mới, sáng tạo nhiều hơn nữa.

“Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiên trung, đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho dân, cho công cuộc dựng xây, chấn hưng đất nước và làm trong sạch Đảng.

Người dân Việt Nam luôn biết ơn sự cống hiến to lớn của Tổng Bí thư cho đất nước. Khắc ghi những lời chỉ đạo ân cần của Tổng Bí thư", tiến sĩ Thảo bày tỏ.

Ông Thảo, bà Thắng tin rằng những “di sản chính trị” quý báu mà Tổng Bí thư để lại sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa, nhằm thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Việt Nam; đưa đất nước vươn lên trở thành một nước Xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và phát triển.

7e3eee302225877bde34.jpg
Năm 2002, ông Thảo vinh dự được Tổng Bí thư lúc đó là Bí thư Thành uỷ Hà Nội trao Huy chương Lao động Hạng 3.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra những đổi mới lý luận trong các lĩnh vực xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Đây đều là những tư tưởng lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của người dân và phù hợp với điều kiện, tình hình của đất nước, trở thành những “di sản tinh thần” quý báu mà ông để lại cho dân tộc Việt Nam”, tiến sĩ Thảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ