ĐH Quốc gia TPHCM giảm hơn 2.300 viên chức nhận lương từ ngân sách

GD&TĐ - Số lượng viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước làm việc tại Đại học Quốc gia TPHCM giảm dần trong giai đoạn 2015 đến nay.

Ông Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết đại học đã quán triệt, triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: VNUHCM
Ông Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết đại học đã quán triệt, triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: VNUHCM

Cụ thể, năm 2015, Đại học Quốc gia TPHCM có 3.502 trong tổng số 5.603 viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước (chiếm tỷ lệ 62,5%). Đến năm 2024, con số này là 1.154 trong tổng số 6.400 viên chức (chiếm tỷ lệ 18%).

Đây là số liệu được báo cáo tại Hội thảo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" tại Đảng bộ Đại học Quốc gia TPHCM, tổ chức ngày 20/12.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết đại học này đã quán triệt, triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đại học Quốc gia TPHCM đã đẩy mạnh tự chủ đại học, hạn chế phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. "Trong thời gian vừa qua, Đại học Quốc gia TPHCM đã cố gắng tinh gọn các đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đây cũng là phương hướng cần thiết trong thời gian tới", ông Quân cho biết.

img-5369.jpg
Tòa nhà điều hành của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo báo cáo của TS Lê Thị Anh Trâm - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM, từ năm 2015 đến 2024, hệ thống này giảm 3 đầu mối quản lý, chiếm tỷ lệ 10% tinh giảm bộ máy.

Số lượng viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước trên tổng số viên chức làm việc tại Đại học Quốc gia TPHCM giảm dần theo thời gian; kết quả vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM có 24/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 (chiếm tỷ trọng 66%) và có 12/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (chiếm tỷ trọng 34%); giảm 27% chi thường xuyên (178 tỷ) từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

dsc03355.jpg
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: M.T

Đại học Quốc gia TPHCM được Chính phủ thành lập vào năm 1995, hiện có tổng diện tích 643 hecta.

Đại học này có 36 đơn vị, trong đó có 8 trường đại học thành viên (Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc Tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Khoa học Sức khoẻ), 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên), 1 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 25 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.

Đại học Quốc gia TPHCM đào tạo gần 94.000 sinh viên đại học, hơn 7.100 học viên cao học, gần 1.000 nghiên cứu sinh, cùng đội ngũ học giả với 34 giáo sư, 312 phó giáo sư và 1.197 tiến sĩ.

Trước đó, trong Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình ký ngày 6/12, Chính phủ đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM về Bộ GD&ĐT để quản lý.

Đồng thời, Chính phủ giao 2 đại học quốc gia đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đêm văn nghệ tưng bừng. Ảnh: TT

Chuyến đi của sự trưởng thành

GD&TĐ - Tôi là một cậu bé sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Vậy nên, từ bé đến lớn, lần xa nhà lâu nhất của tôi là 2 ngày - cho những lần đi tham quan với lớp.

Ảnh: Quốc Bình.

Dịu dàng hoa tía tô

GD&TĐ - Tía tô thân thuộc đến thế đó nhưng chưa khi nào nó được bắt gặp những bông hoa tim tím bé xinh ấy.