Hàng triệu người Trung Quốc mơ tấm vé vào Trường ĐH Harvard. Năm 2000, cuốn sách “Cô gái Harvard” với nội dung viết rằng bất cứ đứa trẻ nào được nuôi dạy đúng cách có thể trở thành sinh viên tại các trường ĐH thuộc Hiệp hội Ivy League (nhóm trường ĐH hàng đầu nước Mỹ) đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Trung Quốc.
Trường nhỏ cũng hưởng lợi
Viện Công nghệ Georgia, một trường ĐH tại Atlanta có danh tiếng kém xa Harvard, là một ví dụ hưởng lợi từ làn sóng du học của SV Trung Quốc.
Từ năm 2007 - 2014, số đơn xin học vào Georgia Tech đã tăng vọt từ 33 lên 2.309 ứng viên. Một số ứng viên tốt nghiệp những trường trung học hàng đầu tại Trung Quốc sẵn sàng chi khoảng 44.000 USD (cho học phí và thuê nhà hàng năm) - tương đương gấp gần 10 lần thu nhập trung bình của hộ gia đình đô thị Trung Quốc.
Tham vọng của SV Trung Quốc đang thay đổi: Không còn chỉ ngước mắt lên những cái tên danh tiếng nữa. Những trường đại học kém nổi tiếng hơn Georgia Tech nhiều cũng đang vui mừng đón du học sinh Trung Quốc.
Hơn 800.000 người Trung Quốc ra nước ngoài du học ở mọi cấp bậc học năm 2012 và 2013.
Số du học sinh chỉ trong 2 năm này đã tương đương 1/4 của 3 triệu du học sinh “Tây du” kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách “mở cửa” năm 1978.
Vào cuối năm 2013, gần 1,1 triệu người Trung Quốc du học tại nước ngoài, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc - gấp hơn 3 lần so với 1 thập kỷ trước.
Nguồn lợi khổng lồ
Trung Quốc cũng đã là nguồn du học sinh lớn nhất cho GD đại học toàn cầu, với tỉ lệ ngày càng áp đảo. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã là nguồn cung SV nước ngoài nhiều nhất tới các nước nói tiếng Anh ở thế giới phát triển - cũng như tại các quốc gia xuất khẩu GD hàng đầu như Pháp, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên với Mỹ thì thực sự là cuộc bùng nổ du học sinh Trung Quốc. Hơn 110.000 du học sinh Trung Quốc được nhận vào bậc đào tạo cử nhân trong các trường ĐH Mỹ trong năm học 2013 - 2014, gấp 11 lần so với năm học 2006 - 2007.
Hiện du học sinh Trung Quốc chiếm 30% tổng số sinh viên đại học người nước ngoài.
Số gia đình đưa con tới Mỹ du học từ bé cũng đang tăng nhanh. Năm 2013, khoảng 32.000 học sinh Trung Quốc nhận thị thực đến Mỹ học cấp trung học, so với năm 2005 chỉ có 639 học sinh. Mức tăng này bất chấp sự giảm sâu từ năm 2010 số du học sinh Trung Quốc từ 18 - 22 tuổi - giảm từ 121 triệu xuống còn 89 triệu trong năm nay.
Giải thích cho xu hướng trên là số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông quá lớn trong khi hệ thống GD đại học của Trung Quốc không đáp ứng được, chất lượng đào tạo cũng hạn chế.
Trong khi đó GD ĐH Mỹ, ngoài nhóm Ivy League còn có hàng chục trường ĐH tư nhân chất lượng cao và nhiều trường cao đẳng lớn nhận ngân sách nhà nước như Georga Tech, cũng đạt đẳng cấp thế giới.
Một nguyên nhân khác là tầng lớp trung lưu Trung Quốc mở rộng nhanh chóng. Họ có tiền để chọn du học thay vì học ở những trường hạng hai ở quê nhà.
Thủ tục cấp thị thực du học cũng đơn giản hơn đối với người Trung Quốc để có thể du học các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ. Chính nguồn thu lớn từ du học sinh Trung Quốc đổ vào các trường ĐH Mỹ đã khiến chính phủ Mỹ phải nới lỏng thủ tục cấp thị thực.