(GD&TĐ)-Đó là mục tiêu mà Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra vừa được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Ngành điện sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện (ảnh MH) |
Bên cạnh đó, ngành điện còn đặt ra mục tiêu lớn là đến năm 2030 cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194 - 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 - 362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695 - 834 tỷ kWh.
Quy hoạch xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu năm 2020, hầu hết số hộ nông thôn có điện, giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn.
Giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư cấp điện mới từ lưới quốc gia cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn.
Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD). Trong cả giai đoạn 2011 - 2030, nhu cầu đầu tư khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD).
Năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000 MW, trong đó: Thủy điện chiếm 23,1%; thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48%; nhiệt điện khí đốt 16,5% (trong đó sử dụng LNG 2,6%); nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%.
Điện năng sản xuất và nhập khẩu năm 2020 khoảng 330 tỷ kWh, trong đó: Thủy điện chiếm 19,6%; nhiệt điện than 46,8%; nhiệt điện khí đốt 24% (trong đó sử dụng LNG 4%); nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 4,5%; điện hạt nhân 2,1% và nhập khẩu điện 3%.
Minh Duy