Đề xuất tính thuế tiền lãi tiết kiệm: Dễ tạo xung đột

GD&TĐ - Bộ Tài chính vừa tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương... đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi).

Nếu đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến người dân có thể chuyển hướng đầu tư vào những lĩnh vực khác. Ảnh minh họa: INT
Nếu đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến người dân có thể chuyển hướng đầu tư vào những lĩnh vực khác. Ảnh minh họa: INT

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng, mà còn gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế…

Đánh thuế khoản lãi tiền gửi lớn

Bộ Tài chính vừa tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương... đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi).

Đáng chú ý, góp ý cho dự thảo tờ trình, UBND TP Cần Thơ cho rằng, đơn vị soạn thảo nên nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, địa phương này kiến nghị chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi tiền gửi có quy mô nhỏ, còn lãi suất tiền gửi lớn thì cần đưa vào diện chịu thuế.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất giữ nguyên chính sách miễn thuế với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn. Theo quan điểm của tỉnh này, việc duy trì ưu đãi thuế sẽ giúp khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, đảm bảo dòng vốn cho nền kinh tế và tạo động lực phát triển...

Phản hồi trước các đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết, ngân sách Nhà nước định hướng cơ cấu lại để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó mở rộng cơ sở thuế, hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế. Cùng với đó, chính sách miễn, giảm, giãn thuế đảm bảo tính trung lập. Việc này được thực hiện theo Nghị quyết 07/2016 của Bộ Chính trị.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng cho biết việc đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Thái Lan đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, Trung Quốc cũng thu thuế đối với thu nhập từ lãi suất, trong khi Hàn Quốc coi tiền lãi là thu nhập phải nộp thuế.

Nhưng nhiều quốc gia cho phép giảm trừ lãi vay mua nhà, coi đó là khoản giảm trừ đặc thù khi tính thuế thu nhập cá nhân, nhằm khuyến khích người dân sở hữu nhà ở. Việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế...

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đối tượng miễn giảm cần được nghiên cứu để phù hợp với chủ trương, thực tiễn và xu hướng cải cách thuế trên thế giới. Thực tế, ý tưởng đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm không phải lần đầu xuất hiện.

Trước đây, năm 2013 và năm 2017, từng có một số đề xuất tương tự. Thời điểm đó, các ý kiến cho rằng nếu khoản lãi lên tới hàng trăm triệu đồng hay tiền tỷ mỗi năm thì nên được coi là một kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, và vì vậy không nên miễn thuế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến nguồn huy động vốn của ngân hàng dễ bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo.

Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn. Chưa kể, nếu việc gửi tiền vào ngân hàng bị đánh thuế, người dân sẽ chọn giải pháp khác thay thế, dòng tiền sẽ chảy vào USD, vàng và các kênh đầu tư khác như: Tiền ảo, bất động sản, chứng khoán…

Nhiễu loạn thị trường tài chính

Từng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia về tài chính, ngân hàng cho rằng, nếu áp dụng thuế này sẽ gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Lập luận của ông Lực đưa ra là lãi tiền gửi tiết kiệm bị đánh thuế có thể khiến lượng tiền tiết kiệm gửi ngân hàng sẽ giảm. Khi đó lãi suất có thể sẽ bị đẩy lên. Và doanh nghiệp sẽ càng khó khăn.

“Việc đánh thuế lãi tiền gửi ở các nước phát triển là bình thường, nhưng Việt Nam thì lại chưa nên đặt ra. Hơn nữa, đây cũng không phải là nguồn thu quá quan trọng đối với ngân sách”, ông Lực chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà N.T.B. hiện đang là chuyên viên tư vấn khối doanh nghiệp của một ngân hàng thương mại nhìn nhận, về bản chất tiền gửi tiết kiệm chính là số tiền còn lại của người dân sau khi đã chịu thuế. Nếu tiếp tục đánh thuế lãi tiền gửi có nghĩa là đánh thuế hai lần, điều này là bất hợp lý.

“Chắc chắn là không một người gửi tiền nào đồng tình với đề xuất này. Thực tế người dân và doanh nghiệp, ai cũng phải đóng thuế. Theo đề xuất đánh thuế đối với lãi tiền gửi quy mô lớn, nhưng ở đây không phải là lớn hay nhỏ, bởi, không ai có thể đi đong đếm xem số tiền đang gửi tiết kiệm đã được quay vòng lần thứ hai hay lần thứ ba từ số tiền lãi trước đó.

Nếu đánh thuế lãi suất tiết kiệm, người gửi tiền vào ngân hàng sẽ suy giảm. Tiền tiết kiệm từ ngân hàng sẽ được người dân rút ra để đầu tư vào các kênh đầu tư khác như: Vàng, bất động sản, những sản phẩm mang tính đầu cơ cao. Như vậy, sẽ tác động rất xấu đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, chống đô la hóa nền kinh tế, cũng như mục tiêu về một nền kinh tế không dùng tiền mặt”, bà B. thông tin.

Luật sư Nguyễn Sương, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, đề xuất này không khả thi bởi bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Song, không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết tất cả thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này cũng là hình thức khác.

Theo luật sư Nguyễn Sương, việc đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các hệ thống ngân hàng. Bởi, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại, phần lớn từ 80 - 90% là từ nguồn huy động vốn.

“Nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm thì người dân chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… Do vậy, việc đánh thuế này sẽ có nguy cơ khiến nguồn tiền từ huy động vốn sẽ bị giảm đi. Bên cạnh đó, không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, mà còn làm méo mó thị trường tài chính, gây khó khăn cho việc quản lý của các cơ quan Nhà nước”, luật sư Nguyễn Sương chia sẻ.

Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân, có 10 loại thu nhập đang thuộc diện thu nhập chịu thuế, gồm: Thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế; thu nhập từ quà tặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ