Đề xuất cơ chế phát triển nhà ở xã hội

Đề xuất cơ chế phát triển nhà ở xã hội

>>Mảng nhà ở xã hội chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Đề xuất cơ chế phát triển nhà ở xã hội ảnh 1
Người lao động có thể trả dần số tiền mua nhà này trong vòng 20 năm với lãi suất ưu đãi.

Theo Thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), sau hơn 1 năm triển khai chương trình nhà ở xã hội cho thấy, cả nước đã khởi công được gần 30 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng. Tổng diện tích sàn của các dự án này là hơn 750.000 m2, sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 công nhân.

Về nhà ở cho người thu nhập thấp, có 33 dự án, với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, diện tích sàn 655.000 m2, giải quyết chỗ ở cho 55.000 người. Ba địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các dự án nhà ở xã hội bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, cũng là các thành phố mà nhu cầu về nhà ở xã hội bức thiết nhất so với cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong điều kiện thị trường bất động sản thời gian qua diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, thì việc doanh nghiệp có thể đưa ra thị trường các dự án nhà ở có mức giá từ 7 đến 10 triệu đồng/m2 trên địa bàn TP. Hà Nội là tín hiệu tích cực để có thể kéo giá trung bình của nhà ở xuống mức phù hợp với thu nhập của người dân.

Trong tương lai, ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có những chính sách ưu đãi hơn nữa về đất đai (không thu tiền sử dụng đất), thuế và thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội). “Số tiền 350 đến 500 triệu đồng cho một ngôi nhà từ 35 đến 65 m2 là lớn với người có thu nhập thấp. Nhưng cũng cần lưu ý, ngôi nhà là tài sản tích cóp cả đời và người lao động có thể trả dần số tiền mua nhà này trong vòng 20 năm với lãi suất ưu đãi. Trong điều kiện thị trường hiện nay, rất khó để yêu cầu doanh nghiệp đưa ra mức giá thấp hơn”, ông Nguyễn Trần Nam chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Một tin vui đối với các doanh nghiệp tham gia các dự án nhà ở xã hội là Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý ứng vốn ngân sách kế hoạch năm 2011 cho các dự án xây dựng nhà ở sinh viên (đã được phê duyệt danh mục và bố trí kế hoạch đầu tư năm 2010). Theo thông báo số 211 của Văn phòng Chính phủ ngày 31/7, đối với các dự án nhà ở cho sinh viên của TP. Hà Nội và TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt danh mục, nhưng chưa được bố trí kế hoạch đầu tư vốn trong năm 2010, Chính phủ cho phép các địa phương ứng vốn năm 2010 trong tổng mức đầu tư dự án đã được duyệt, để các dự án này triển khai thực hiện và hoàn thành dứt điểm theo kế hoạch.

“Các cơ chế để triển khai một dự án nhà ở xã hội thực tế đã có nhiều thuận lợi hơn. Theo đó, công đoạn xin phê duyệt một dự án hiện đã được rút ngắn. Đặc biệt, với các dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp đã thực hiện tốt tiến độ xây dựng”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera – đơn vị vừa khởi công 1.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) thừa nhận.

Tuy nhiên, hiện việc xác định các tiêu chí thế nào là người có thu nhập thấp vẫn chưa thống nhất, khiến một số dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, nhưng chưa được bán đến tay người có nhu cầu. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho hay, cho đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa ra được văn bản quy định cho 10 điểm còn lại để xác định đối tượng mua nhà, làm chậm tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Bộ Xây dựng đang tham mưu cho Chính phủ yêu cầu các địa phương phải có quỹ đất sạch (không thu tiền sử dụng đất) dành cho các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội. Mặt khác, Bộ cũng dự kiến ban hành nốt các tiêu chí xác định người thu nhập thấp để giải toả ách tắc trong việc bán nhà cho người dân trong tháng 8 này.

Theo những thông tin từ phía Bộ Xây dựng, nhiều khả năng, người có thu nhập thấp sẽ được xác định bởi 2 tiêu chí cơ bản là: chưa có nhà ở (do chính quyền địa phương xác nhận) và không phải đóng thuế thu nhập.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ