Bảo vệ trẻ trước nguy cơ tai nạn
Theo đó, tại Khoản 4, Điều 7 về quy tắc giao thông đường bộ trong dự thảo quy định: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi hàng ghế trước (vị trí cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.
Với trẻ em dưới 4 tuổi, phải chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Cơ quan đề xuất cho rằng, đây là quy định nhằm bảo đảm ATGT, phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông. Thống kê của cơ quan này cho biết, trung bình mỗi năm có 1.900 trẻ tử vong do TNGT đường bộ ở Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã nghiên cứu và đưa ra kết luận, TNGT đường bộ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho trẻ em từ 5 - 14 tuổi ở Việt Nam. Việc cài dây an toàn giúp giảm 45 - 50% nguy cơ tử vong cho tài xế và người ngồi ghế trước, đồng thời giảm 25% nguy cơ tử vong, chấn thương nghiêm trọng cho hành khách ngồi ghế sau.
Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, quy định này không mới và không lạ đối với nhiều quốc gia phát triển bởi hệ thống giao thông của họ rất hiện đại, phần lớn là đường cao tốc chạy với tốc độ cao từ 100 - 135km/h.
Nếu người tham gia giao thông bằng xe ô tô mà không thắt dây an toàn, đặc biệt là trẻ em hoặc dây an toàn không phù hợp thì khi tai nạn xảy ra cơ hội sống sót không cao.
Chính vì vậy, ở nhiều quốc gia phát triển quy định chặt chẽ về thắt dây an toàn cũng như các chế tài đối với người tham gia giao thông là rất nghiêm khắc đặc biệt là vi phạm liên quan đến quyền trẻ em, gây tổn hại đến trẻ em.
Ở Việt Nam, hệ thống giao thông chưa phát triển, đường cao tốc chưa nhiều, việc tham gia giao thông chủ yếu trong các đô thị. Đặc biệt, xe chở trẻ em, đưa đón học sinh thường là đoạn đường ngắn bởi vậy quy định về ghế chuyên dụng cũng như thắt dây an toàn cho trẻ chưa được quan tâm nhiều.
Với trẻ em từ hai tuổi đến bốn tuổi thì thường được cha mẹ ôm, giữ trong lòng khi tham gia giao thông bằng xe ô tô. Nếu có ghế chuyên dụng để cho trẻ ngồi vào thì có thể nhiều trẻ quấy khóc, chưa quen nên cũng là một khó khăn đối với các bậc cha mẹ...
Với sự phát triển của kinh tế - xã hội, việc tham gia giao thông bằng xe ô tô và chở trẻ em đã tương đối phổ biến, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra kể cả trong đô thị. Không thể khẳng định được rằng tham gia giao thông trong phố sẽ không có tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những vụ việc như phụ nữ lái xe chở con đi học rồi đạp nhầm chân ga.
Nếu TNGT xảy ra đối với xe ô tô khiến xe lao nhanh, đâm va, lật xe mà những người trên xe ô tô không thắt dây an toàn, đặc biệt là trẻ em thì hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi vậy, việc quy định về thắt dây an toàn cho trẻ em, vị trí ngồi của trẻ em và ghế chuyên dụng trên xe ô tô là cần thiết. Tuy nhiên, cần có lộ trình thích hợp và phải có những điều kiện để bảo đảm việc thực thi.
Cần nghiên cứu, đánh giá khoa học
Dẫu quy định trên được cho là phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng tại nước ta chưa có một nghiên cứu, đánh giá nào về các vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em liên quan đến độ tuổi và chiều cao. Một số ý kiến cho rằng, trước khi đưa ra quy định cần có nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học.
Trong đó, phải xác định rõ yếu tố nào là quan trọng, độ tuổi hay chiều cao? Thực tế hiện nay nhiều trẻ mới 11 - 12 tuổi nhưng có chiều cao vượt xa so với quy định.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền bày tỏ quan điểm, về vấn đề độ tuổi theo quy định trên cần phải được nghiên cứu sâu, có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Song song với đó, phải lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về thể trạng của trẻ em ở nước ta để có thêm luận cứ làm rõ quy định này. Trước khi có những luận cứ khoa học không nên đưa ra quy định mang tính cảm tính, thiếu thực tiễn.
Anh Lê Văn Hùng ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì cho rằng, nếu chiểu theo quy định, các bậc làm cha mẹ khi đưa con đi học, đi chơi không phải lúc nào cũng để sẵn giấy khai sinh của con trên xe.
Những lúc bị cảnh sát giao thông kiểm tra sẽ rất khó để chứng minh con em mình đủ tuổi ngồi ghế trước và như thế sẽ rất phiền phức. Anh Hùng cho rằng, trước khi áp dụng quy định này cần thí điểm xem những điểm hợp lý, cũng như bất hợp lý rồi điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Ở một góc nhìn khác, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, để bảo đảm thực thi phải có nhà cung cấp các loại ghế chuyên dụng. Cùng đó, phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để các bậc làm cha, làm mẹ, các đơn vị vận chuyển học sinh nắm được. Giai đoạn đầu áp dụng cần để một khoảng thời gian để nhắc nhở.
Sau một khoảng thời gian thí điểm, vận dụng, áp dụng đã trở thành thói quen mà ai còn vi phạm thì mới nên xử phạt… Khi ban hành một quy định pháp luật mới thì cần nghiên cứu kỹ điều kiện kinh tế - xã hội, tâm lý, văn hóa của người Việt Nam thì mới đảm bảo khả năng áp dụng trên thực tế việc vận dụng có hiệu lực, hiệu quả.