Để nông thôn mới vẫn là... nông thôn!

Để nông thôn mới vẫn là... nông thôn!

(GD&TĐ) - Sau gần 3 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn Quảng Bình đã có những đổi thay tích cực. Nhiều địa phương trong tỉnh đã đạt từ 15 - 17 tiêu chí và dự kiến sẽ chạm đích trước lộ trình. Với quyết tâm và những bài học rút ra sau gần 1.000 ngày nỗ lực, hình ảnh những làng xã nông thôn mới đã hiển hiện khá rõ nét. Tuy nhiên đằng sau các con số, sự kiện đang từng ngày được cập nhật ấy vẫn thấp thoáng những trăn trở, suy tư của người trong cuộc...

Tiêu chí giao thông: Được và mất

Lùi lại mốc thời gian khi Quảng Bình chuẩn bị bắt tay vào xây dựng NTM, Lệ Thủy là huyện có trên 1.000 km trục đường liên xã, thôn, xóm, ngõ xóm và trục chính nội đồng, tất cả đều chưa đạt chuẩn, xếp hạng cuối cùng trong toàn tỉnh về thực trạng giao thông. Và khi "luồng gió" NTM thổi về tận từng làng quê, ngõ xóm, Đảng bộ và nhân dân huyện Lệ Thủy đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.

Đối với nhiều xã "đất chật người đông" của địa phương, việc thực hiện bài toán giao thông khá nan giải. Nhưng bằng quyết tâm và sự nỗ lực, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng trăm ki lô mét đường giao thông đã được giải tỏa và tiến hành bê tông hóa. Bộ mặt các làng quê Lệ Thủy trở nên khang trang hơn, không còn nữa hình ảnh những con đường lầy lội vào mùa mưa và bụi mù trong mùa nắng. Đấy có lẽ là cái được lớn nhất khi thực hiện tiêu chí giao thông của Lệ Thủy.

Thế nhưng, phía sau cái được nhìn thấy rõ ấy là tâm tư của không ít người. Ông Võ Đại Hàm, xã Phong Thủy, chia sẻ: “Tôi không thích thay những hàng cây chè tàu bằng những hàng rào bê tông. Hàng rào bằng cây xanh phù hợp với cảnh nông thôn hơn chứ! Biết là đổi mới, nhưng cái gì đáng gìn giữ thì nên gìn giữ.” 

Điều ông Hàm nói là hoàn toàn có lý. Bởi có không ít hộ gia đình, khi tiến hành làm đường bê tông, đã "tiện thể" chặt phá luôn hàng rào cũ bằng cây xanh và thay thế vào đó bằng bức tường bê tông mới mẻ. Một số hộ gia đình khác, dù vẫn ý thức được vẻ đẹp của hàng rào bằng cây xanh, nhưng trong "làn sóng" mở rộng đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, họ cũng đành phải phá bỏ. Có thể nói, đấy là cái mất vô hình mà trong quá trình triển khai, do áp lực về tiến độ, do sự hạn chế của đội ngũ cán bộ trong công tác điều hành cùng một số nguyên nhân khác, chúng ta đã không kịp nhận ra...

Tiêu chí giao thông với những cái được và đằng sau đó là sự trăn trở, suy tư không chỉ diễn ra ở huyện chiêm trũng Lệ Thủy. Ở xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tiêu chí này cũng đang đe dọa đến sự biến mất của những nét đẹp văn hóa đã trải qua nhiều thế kỷ. Với 72% tỷ lệ đường thôn, ngõ xóm đã được bê tông hóa, Cảnh Dương là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM ở Quảng Trạch.

Thế nhưng đồng nghĩa với điều này là việc những bức tường đá san hô từng là niềm tự hào của người dân nơi đây đang dần biến mất. Dù trong vài thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa nông thôn cũng đã ít nhiều tác động đến nơi này, nhưng hiện tại, Cảnh Dương vẫn còn nhiều ngõ xóm cổ kính được xây dựng từ xa xưa. Phía sau những bức tường ấy là đời sống tinh thần của nhiều thế hệ, là dấu ấn của những bàn tay người thợ tài hoa và tâm huyết. Nhưng trong "làn sóng" mở rộng đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, nhiều bức tường đã bị phá bỏ, nét văn hóa đặc thù ấy cũng không còn. Đây sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho thế hệ con cháu sau này...

Những hàng rào cây xanh ở Lệ Thủy "may mắn" tồn tại sau "làn sóng" mở rộng đường nông thôn mới
Những hàng rào cây xanh ở Lệ Thủy "may mắn" tồn tại sau "làn sóng" mở rộng đường nông thôn mới
 

Tiêu chí chợ: Bước đi cần thận trọng

Không phải đến khi bắt tay vào xây dựng NTM, vấn đề xây dựng chợ nông thôn ở Quảng Bình mới trở nên "nóng". Trước đó, từ Đề án phát triển mạng lưới chợ giai đoạn 2006 - 2010 của các địa phương đã cho ra đời hàng loạt chợ tại các xã. Và trong số đó, tỷ lệ chợ bỏ hoang chiếm rất lớn. Cho đến thời điểm triển khai xây dựng NTM, vấn đề xây dựng chợ đạt chuẩn, một lần nữa đã thu hút sự tham gia của người dân.

Ông Lê Văn Bình (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh) cho rằng, mỗi xã xây dựng một chợ đạt chuẩn là quá lớn và lãng phí đối với nhiều địa phương. Hồi trước, mỗi dịp lễ, tết, bố mẹ, con cái đưa nhau đi chợ huyện, chợ tỉnh. Bây giờ, chợ mọc tràn lan nên chợ huyện, chợ tỉnh cũng chẳng mấy ai đi. Bên cạnh đó việc xây chợ hàng loạt đã manh nha hình thành thứ "văn hóa chợ" theo hướng tiêu cực khi tiểu thương luôn phải cạnh tranh gay gắt, mất cả tình làng nghĩa xóm...", ông Bình chia sẻ. 

Ở Quảng Bình có nhiều chợ truyền thống nổi tiếng. Đó là chợ Ba Đồn được mệnh danh là "dạ dày miền Trung" với đầy đủ sản vật trên rừng dưới biển. Chợ Tréo Lệ Thủy, chợ Côộc Quảng Ninh cũng từng đi vào thơ ca và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Chợ Cảnh Dương là chợ đầu mối hải sản với hàng trăm năm lịch sử...

Chị Nguyễn Thị Huệ, một người con Quảng Bình hiện sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh trao đổi: Về quê để được đi chợ quê là cái thú của nhiều người. Nhưng cái khung cảnh "trăm người bán, vạn người mua", "trên bến dưới thuyền" đông vui tấp nập ngày xưa ấy, giờ thật khó gặp khi hầu như xã nào cũng có những khu chợ lớn với thiết kế tương tự nhau, trong khi nhu cầu của người dân chưa thực sự cần. Về quê đi chợ bây giờ, đôi khi tôi chợt có cảm giác như mình đang đi chợ "xép" ở phố...

Đấy là những ý kiến tâm huyết mà chúng ta cần lưu tâm khi thực hiện tiêu chí chợ nói riêng và các tiêu chí hạ tầng khác trong quá trình xây dựng NTM nói chung. Bởi chợ không phải chỉ là nơi để giao thương buôn bán, chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, thể hiện truyền thống, bản sắc riêng của từng vùng miền, yếu tố ẩm thực, sản vật, văn hóa đi chợ của người dân. Nếu không thận trọng trong khi triển khai tiêu chí này, cái được có thể chỉ là những khu chợ khang trang, đạt chuẩn, nhưng kém hiệu quả trong sử dụng, còn cái mất là cả nét đẹp văn hóa chợ, là tình làng nghĩa xóm, là môi trường sống thân thuộc của người dân nông thôn bao đời nay... 

“Ở nông thôn, hàng rào bằng cây xanh rất phù hợp với môi trường. Nó còn có ý nghĩa về mặt phong thủy, tạo sinh khí cho ngôi nhà. Trồng lên, cắt cho nó vuông, tròn theo ý mình phải mất bao nhiêu năm, nhưng chặt phá một lần là xong. Để có con đường rộng mà phá đi biết bao hàng rào như vậy, tiếc lắm! Không chỉ có ý nghĩa về mặt cảnh quan, hàng rào bê tông sẽ cản trở lực nước, ảnh hưởng việc thoát nước vào mùa lũ. Kinh nghiệm cho thấy, hàng rào bằng cây xanh dễ dàng hơn cho việc thoát lũ và nó ít hấp thụ nhiệt, nên phù hợp với khí hậu của Quảng Bình vốn khô, nóng trong mùa hè..." 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Tăng

Ngọc Mai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ