Để khói thuốc không còn ám ảnh

GD&TĐ - Sau thời gian triển khai thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta được triển khai đồng bộ và đã có rất nhiều chuyển biến tích cực.

Để khói thuốc không còn ám ảnh

Tại hầu hết công sở đều có đề biển cấm hút thuốc lá hoặc chỉ rõ những nơi được phép hút thuốc lá; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng Luật như đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động... Nhiều tỉnh, thành phố đã có những sự kiện nổi bật thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, như sự kiện thể thao không khói thuốc... nên đã giúp người sử dụng thuốc lá giảm đáng kể.

Tuy nhiên số người hút thuốc lá ở nước ta vẫn được xếp vào hàng các nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới hiện nay, với tỷ lệ hơn 50% nam giới từ tuổi trưởng thành trở lên hút thuốc lá, hơn 60 triệu người chịu ảnh hưởng của khói thuốc (hút thuốc thụ động). Điều đáng nói là những người hút thuốc còn thiếu hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc. Đặc biệt người hút thuốc còn gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến môi trường, làm những người xung quanh hít phải cũng bị nhiễm độc (hút thuốc thụ động). Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Trung bình mỗi ngày có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp đến 4 lần số ca tai nạn giao thông đường bộ.

Có thể nói, tác hại của thuốc lá hiện nay, không chỉ ám ảnh tới cuộc sống mà nó đang đầu độc tàn phá giống nòi gây nguy hại cho dân tộc. Vì thế để ngăn chặn, tiến tới hạn chế thấp nhất việc hút thuốc lá, một công việc rất cần được quan tâm là tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Mặt khác, phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật để tăng hiệu quả xử phạt, răn đe đối với hành vi hút thuốc nơi công cộng...

Bên cạnh đó, ngành y tế nên có văn bản hướng dẫn cụ thể việc cơ sở y tế thành lập bộ phận chuyên tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá để hỗ trợ đối với những người hút thuốc lá lâu năm bỏ hút thuốc dễ thành công hơn.

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm từng bước thay đổi hành vi người hút thuốc lá. Đặc biệt với mỗi cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đưa công tác phòng chống tác hại thuốc lá vào nội quy thi đua khen thưởng hàng năm; đồng thời lồng ghép với chuyên môn để cho mỗi người tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ