ĐBSCL, giá lúa gạo diễn biến bất thường

ĐBSCL, giá lúa gạo diễn biến bất thường
(GD&TĐ) - Thị trường lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến bất thường do nhiều thương lái thu mua gạo của nông dân với giá cao để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đang lo giá lúa trong nước tăng trong khi họ đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp.
Đây phải chăng chính là lý do khiến cuối tuần qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra thông tin: Trung Quốc mua tới 600 ngàn tấn gạo hè thu của Việt Nam có thể gây bất ổn nguồn cung lương thực?
Tại buổi giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương diễn ra ngày hôm qua, 9/8 tại Hà Nội, ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch VFA cho biết, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Lượng gạo giao tính đến hết tháng 7 là 4 triệu tấn và cần thêm 2 triệu tấn từ nay đến cuối năm.
ĐBSCL, giá lúa gạo diễn biến bất thường ảnh 1
 Thu hoạch lúa hè thu tại ĐBSCL. Ảnh,internet
Hiện nay, giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm ở Đồng bằng sông Cửu Long dao động ở mức 5.450 đồng đến 5.550 đồng/kg tùy từng địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì hiện khoảng 6.650 đồng đến 6.700 đồng/kg. 
Như vậy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 20- 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7, lên mức 375 USD/tấn, gạo 25% tấm đạt 330 USD/tấn.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết: nếu so với giá thành đầu vào hiện nay đã bị lỗ ít nhất 30 USD/tấn loại 25% tấm và 25 USD/tấn loại 5% tấm.
Bên cạnh việc giá gạo tăng, có tình trạng nhiều thương lái đang thu mua gạo của nông dân với giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc, phần nhiều qua đường tiểu ngạch với khối lượng dự ước gần 600.000 tấn. 
Đây là diễn biến bất thường và đáng lo vì dự kiến, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mua vào để hoàn thành kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn trong tháng 8 thay vì tháng 9 theo kế hoạch. Lượng hợp đồng ký kết còn rất lớn trong khi vụ hè thu kết thúc sớm, lượng gạo cho xuất khẩu trong dân không còn nhiều.
Trên thực tế, đến ngày 5.8, trong số hơn 1,6 triệu ha lúa hè thu tại ĐBSCL, nông dân mới thu hoạch trên 50%, còn lại những tỉnh được xem là vựa lúa như Long An, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng mới bước vào thu hoạch rộ. Lượng gạo hàng hoá còn tới trên 1 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, theo dự kiến sẽ có thêm 800 ngàn tấn gạo vụ thu đông, vụ mùa và dự kiến khoảng 1 triệu tấn lúa từ Campuchia đưa qua cung ứng thêm cho thị trường (theo cục Trồng trọt).
Theo đại diện VFA, dự báo giá lúa gạo sẽ còn tiếp tục tăng nên rất cần cân đối lượng gạo xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Hiệp hội đã họp với 48 doanh nghiệp thu mua lúa gạo và thống nhất tiếp tục mua theo chỉ đạo đồng thời tăng cường mua dự trữ để đảm bảo can thiệp thị trường đề phòng giá có biến động sốt, đặc biệt tại thị trường TPHCM.
Ông Bảy đề xuất: việc gạo xuất khẩu tiểu ngạch gia tăng có khả năng ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Bộ Công Thương cần kiểm tra và định hướng để Hiệp hội thực hiện trong những tháng cuối năm.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nhận định việc nhiều thương lái mua gạo của nông dân với giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc là diễn biến bất thường. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ phối hợp làm thế nào đảm bảo lãi cho nông dân nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực.
Bộ Công Thương đã giao Vụ Xuất nhập khẩu trao đổi với Bộ NN&PTNT thống nhất biện pháp để có chỉ đạo phù hợp với tình hình nhằm đảm bảo xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực. Đặc biệt sẽ có biện pháp kiểm soát xuất khẩu tiểu ngạch. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu VFA và các tổng công ty lương thực tăng cường dự trữ lượng gạo cần thiết, không để xảy ra biến động với thị trường lúa gạo.
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ