Xã hội hóa biên soạn SGK bước đầu thành công
- Bà đánh giá như thế nào về chủ trương xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK cho đến thời điểm này?
Thực hiện chủ trương một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một số SGK; khuyến khích xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách; thực hiện tiết kiệm ngân sách nhà nước; ngay khi có chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, các nhà xuất bản đã rất tích cực vào cuộc mời tác giả, tổ chức biên soạn SGK.
Đợt thẩm định SGK năm 2019, 3 nhà xuất bản đã gửi 5 bộ SGK gồm 49 đầu sách của đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 về Bộ GD&ĐT đề nghị thẩm định. Kết quả đã có 46 SGK được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá “Đạt”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Quá trình nghiên cứu để lựa chọn SGK trong các trường phổ thông vừa qua, hầu hết giáo viên, học sinh, phụ huynh đều đánh giá cao chất lượng SGK mới, cả về nội dung lẫn hình thức.
Theo tôi được biết, việc biên soạn các bộ SGK lớp 2 và lớp 6, thời gian qua đã được các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện; một số bộ cơ bản đã hoàn thiện để tới đây gửi Bộ GD&ĐT thẩm định.
Như vậy, tôi cho rằng, nhìn chung việc triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 cho đến thời điểm này càng khẳng định được tính phù hợp. Xóa bỏ độc quyền, thực hiện xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản SGK giúp giảm chi phí ngân sách rất lớn. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách sẽ đưa tới kết quả tất yếu là chất lượng các bộ sách sẽ tăng lên, giá cả cũng phù hợp hơn.
Hiện nay, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh đã chọn được SGK lớp 1 phù hợp để sẵn sàng cho năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, cũng xin lưu ý rằng, cần phải tính toán không để xảy ra tình trạng nhà nhà viết sách, người người viết sách. Vai trò của Hội đồng thẩm định là vô cùng quan trọng trong việc lựa chọn ra được bộ sách thực sự chất lượng và phù hợp.
- Với bước đầu thành công như thế, theo bà, có nên tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa biên soạn SGK?
Như tôi đã nói ở trên, hiện chúng ta đã có 5 bộ SGK lớp 1 và được đánh giá là có chất lượng. Đây thực sự là một khởi đầu rất tốt. Bởi vậy, theo tôi, chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản SGK vẫn cần được tiếp tục, nhưng đi cùng với đó là phải có sự kiểm soát tốt, lựa chọn bộ sách chất lượng nhất.
Cần điều chỉnh lại trách nhiệm của Bộ GD&ĐT
- Nghị quyết 88/2014/QH13 có giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để “chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế hiện nay, liệu có cần thêm SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn và dùng tiền ngân sách?
Tôi có thể khẳng định ngay theo quan điểm cá nhân là không cần thiết. Tại sao phải bỏ một số tiền lớn từ ngân sách để đầu tư một bộ sách khác, trong khi các nhà xuất bản đã có những bộ sách chất lượng, được Hội đồng thẩm định phê duyệt?
Tôi cho rằng, ban đầu khi xây dựng ban hành Nghị quyết 88, Quốc hội có lo lắng về việc không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra biên soạn bộ SGK hoặc không biên soạn được bộ sách chất lượng, nên mới giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT. Cụ thể, Nghị quyết ghi: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”.
Nhưng đến thời điểm này, nội dung trên cần phải điều chỉnh. Theo đó, giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT không phải biên soạn một bộ sách mà là thẩm định, rà soát, kiểm soát những bộ sách ra đời có bảo đảm chất lượng cho một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, hiện đại hay không?
- Vậy theo bà, nếu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, có làm “triệt tiêu” chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản SGK hay không?
Xin nhắc lại: Từ thực tế chúng ta đã làm được trong thời gian qua, tôi không ủng hộ việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK. Bởi như vậy sẽ mâu thuẫn với chủ trương xã hội hóa, vì không thể khẳng định sẽ không có sự ưu ái đối với bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn.
Muốn xã hội hóa được, hãy để các nhà đầu tư cạnh tranh một cách lành mạnh, tất nhiên là có sự kiểm soát, điều chỉnh để khi SGK được đưa vào nhà trường phải bảo đảm chất lượng – đây mới đúng là vai trò của Bộ GD&ĐT.
Tôi từng nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, nên tốt hơn hết là thực hiện một cách triệt để chủ trương xã hội hóa trong tổ chức, biên soạn SGK. Xóa được độc quyền trong tổ chức, biên soạn SGK, theo tôi là một chủ trương rất hay, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tăng chất lượng SGK, từ đó góp phần tăng chất lượng giáo dục.
- Xin cảm ơn bà!