Dạy học trực tuyến: Cần phụ huynh đồng hành

Dạy học trực tuyến: Cần phụ huynh đồng hành

Nỗ lực giúp con học trực tuyến

Chị Lê Thúy Quỳnh có 2 con đang học tại trường TH Bồ Đề (quận Long Biên – Hà Nội) chia sẻ: Khi hình thức học tập của con tạm thời chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, gia đình có ít nhiều sự xáo trộn. Do gia đình chưa đầu tư mua máy tính để bàn hay laptop, Ipad riêng, để con có thiết bị học online gia đình đã phải đầu tư mua 2 máy laptop dù điều kiện kinh tế chưa dư giả.

“Sở dĩ phải sắm 2 laptop bởi 2 con sinh đôi, cùng học một lớp, một trường, thời gian biểu học trực tuyến như nhau, việc để 2 con dùng chung một máy khi học là không thể. Số tiền mua máy lên tới hơn 20 triệu – một khoản đầu tư không dễ dàng nhưng vẫn phải mua theo hình thức trả góp chứ không thể để con không có máy học. Tạm thời coi đây như sự đầu tư sớm cho con. Chỉ mong con học tốt” - chị Quỳnh bày tỏ.

Dạy học trực tuyến: Cần phụ huynh đồng hành ảnh 1
Học online - giải pháp học tập cần thiết trong thời điểm HS nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19

Đầu tư máy móc phục vụ học trực tuyến cho con chưa đủ, vai trò hỗ trợ của phụ huynh cho hình thức học tập này cũng quan trọng không kém.

Nhiều cán bộ quản lý, GV sau quá trình triển khai dạy học trực tuyến, online đều khẳng định phương thức dạy học trực tuyến, online nếu thiếu vai trò của phụ huynh sẽ thất bại. Bởi phụ huynh không chỉ đóng vai trò hỗ trợ về phương tiện, vật chất, kĩ thuật giúp con tiếp cận với học trực tuyến mà hơn thế việc đốc thúc và tăng cường ý thức học tập cho HS tại nhà theo hình thức học mới đòi hỏi tính tự giác cao… vô cùng quan trọng.

Anh Võ Minh Hoàng– Phụ huynh có 2 con đang học lớp 9 và lớp 2 trường Newton (Khu ĐTM Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định: Bài giảng của thầy cô được chuẩn bị công phu, chất lượng, đường truyền trực tuyến ổn định… song học trực tuyến vẫn mới mẻ với HS. Hình thức học này cũng chưa sinh động hấp dẫn, việc kết nối trao đổi thông tin chưa cao. Với những hạn chế riêng của dạy học trực tuyến thì vai trò của PHHS trong việc nhắc nhở, tăng cường ý thức cho HS không thể bỏ ngỏ.

Anh Hoàng minh chứng : “Thời gian đầu học trực tuyến con gái thường hay quên lịch học, học tập với tâm thế “đánh trống ghi tên”, không làm bài kiểm tra… thì sau thời gian bố mẹ kèm cặp thậm chí ngồi học cùng con, nhắc lịch học hàng ngày ý thức học đã nâng lên đáng kể. Con đã chủ động với thời khóa biểu, phương pháp học trực tuyến và quan trọng học tập hứng thú và đạt kết quả học tập tốt.

Dạy học trực tuyến: Cần phụ huynh đồng hành ảnh 2
HS học tập tốt hơn khi có cha mẹ quan đồng hành

Biến khó khăn thành cơ hội thích ứng cho trẻ

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm – Phó Hiệu trưởng Trường TH Phạm Hồng Thái (Thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng) cho rằng: Mỗi HS để trưởng thành cần hiểu biết và thành thạo nhiều kỹ năng khác nhau và đặc biệt phải biết thích nghi với những điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Các kiến thức và kinh nghiệm thu được từ trường học quan trọng nhưng chưa phải đầy đủ. 

Do đó phụ huynh nên tranh thủ thời gian này, biến đây thành cơ hội để giúp con đa dạng hóa hoạt động học tập, trải nghiệm những bài giảng, phương pháp dạy phi truyền thống. Và đặc biệt giúp con hình thành thói quen sắp đặt thời gian biểu cho riêng mình, nâng cao ý thức học tập của bản thân.

TS chuyên ngành giáo dục Vũ Việt Anh - Tổng giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cũng khẳng định: HS ở bậc học càng nhỏ thì ý thức học tập, sự tự giác với học trực tuyến càng hạn chế. Để nâng cao ý thức học tập, mang lại hiệu quả tối đa cho hình thức học tập mới này thì cha mẹ cũng cần tăng cường vai trò trách nhiệm. Cần giúp các con hiểu rằng học trực tiếp hay trực tuyến thì đích tới đều là trang bị kiến thức và người học cần nhanh chóng, chủ động thích nghi với cách học mới.

“Với vai trò PHHS, tôi theo dõi qua nhóm kín của PHHS lớp con gái đã thấy rằng gia đình nào bố mẹ quan tâm kèm cặp cẩn thận thì con tham gia học online chủ động đúng giờ và hoàn thành đầy đủ bài tập cô giao. Gia đình nào thờ ơ, phó mặc việc nhắc nhở cho GV thì việc học của trẻ không đều đặn, bài tập không hoàn thành. Mà như vậy thì GV không thể chấm, nhận xét và hỗ trợ kiến thức mà HS còn hạn chế…” - TS Vũ Việt Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ