Dạy – học trong đào tạo từ xa: Bài toán quản lý chất lượng

GD&TĐ - Đào tạo từ xa là một cấu thành không thể thiếu của hệ thống giáo dục quốc dân, để đào tạo từ xa đạt được hiệu quả và chất lượng như mong muốn phụ thuộc nhiều yếu tố, khách quan là các điều kiện hạ tầng cơ sở đáp ứng đào tạo, nhưng có một yếu tố chủ quan nhưng lại khá quan trọng quyết định sự thành bại của một cơ sở đào tạo (trường, lớp, khóa học) chính là công tác quản lí đào tạo. 

Dạy – học trong đào tạo từ xa: Bài toán quản lý chất lượng

Đến thời điểm này, nhiều cách thức quản lý dạy – học được đưa ra, nhưng vấn đề là cần có một công thức chung để vấn đề quản lý dạy – học trong đào tạo từ xa đem lại hiệu quả cao nhất.

Những trải nghiệm thực tế

Quản lý đào tạo là một quá trình xuyên suốt từ tuyển sinh (đầu vào) cho đến khi tốt nghiệp (đầu ra) của người học. Quá trình xuyên suốt này có thể quy thành ba khối là: A. Quản lí mục tiêu đào tạo; B. Quản lí sự vật – quá trình đào tạo theo mục tiêu; C. Quản lí tư tưởng – tinh thần của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí và sinh viên theo mục tiêu.

Chỉ riêng trong khối B (quản lí sự vật – quá trình đào tạo theo mục tiêu), có thể phân ra các tiểu quá trình sau: Quản lí đầu vào theo mục tiêu; Quản lí nội dung chương trình đào tạo theo mục tiêu; Quản lí quá trình dạy – học theo mục tiêu; Quản lí quá trình kiểm tra – thi cử theo mục tiêu; Quản lí phương tiện phục vụ cho công tác đào tạo theo mục tiêu; Quản lí học liệu phục vụ cho công tác đào tạo theo mục tiêu.

Về việc này, PGS.TS Nguyễn Duy Hoan (Đại học Thái Nguyên) qua kinh nghiệm quản lí sinh viên từ xa tại cơ sở liên kết đào tạo ở Thái Nguyên đã đưa ra ba giải pháp chủ yếu: Cần cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình học và quyền lợi của sinh viên cho cán bộ quản lí tại các cơ sở liên kết ở địa phương; Thực hiện đúng cam kết về thời gian trong việc giải quyết các thủ tục và công việc hành chính; Cơ sở đào tạo và cơ sở liên kết ở địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc quán xuyến lớp và kiểm tra ý thức của sinh viên (điểm danh, viết bài thu hoạch, giữ gìn trật tự trong giờ học, trao đổi với ban cán sự lớp để nắm bắt tình hình, cử cán bộ quản lí hoặc giáo viên chủ nhiệm phụ trách các lớp…).

PGS Nguyễn Duy Hoan cũng cho rằng: “Thông tin”, “cam kết về thời gian”, “quán xuyến lớp”, “kiểm tra ý thức”, không gì khác hơn là quản lí cá tính hành chính – sự nghiệp để đưa việc quản lí đào tạo từ xa vào “khuôn phép” mong muốn.

Theo Cộng đồng Đào tạo Khối Thịnh vượng chung (COL) chất lượng đào tạo từ xa ở bậc đại học gồm bốn thành tố là: Hoàn cảnh (Context), Đầu vào (Input), Quản lí quá trình (Management) và Đầu ra (Output). TS Trình Thanh Hà (Viện Đại học Mở Hà Nội) đã khảo sát bốn thành tố đó trong bối cảnh sự nghiệp đào tạo từ xa ở Việt Nam.

Nói riêng về thành tố thứ ba “Quản lí quá trình”, thì nội dung trọng tâm của nó là “quản lí việc dạy và học”. Chất lượng dạy được thể hiện qua chất lượng biên soạn học liệu, chất lượng chuyển tải học liệu tới sinh viên, chất lượng phụ đạo, tư vấn, chất lượng các nguồn lực hỗ trợ học tập khác của cơ sở đào tạo. Còn chất lượng học của sinh viên được thể hiện qua ý thức tự giác, phương pháp học tập tích cực, kĩ năng vận dụng thành thạo các nguồn hỗ trợ và mức độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập.

Hướng đến hiệu quả mong muốn

Thực tế cho thấy, để bảo đảm chất lượng đào tạo, nội dung của quản lí quá trình đào tạo phải hướng tới và tác động tới phương pháp học tập của sinh viên. Mỗi cơ sở đào tạo đều đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa ở bậc đại học ở Việt Nam.

Tựu trung, trong số các nhóm giải pháp thì giải pháp thứ ba là “cung cấp các dịch vụ hỗ trợ triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa”, được xem là thiết thực và đem lại hiệu quả rõ, cụ thể như TS Thanh Hà đưa ra với giải pháp thứ ba này gồm các biện pháp sau: Đổi mới các dịch vụ cung cấp học liệu; Đổi mới các hoạt động hỗ trợ học tập của sinh viên; Phối hợp hỗ trợ của cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Trong biện pháp “đổi mới các dịch vụ cung cấp học liệu”, TS Thanh Hà có nêu ra việc “tăng cường chức năng hướng dẫn tự học trong các loại học liệu”. Thế nhưng “hướng dẫn tự học” trong cách hiểu của ông chỉ bó hẹp ở việc hướng dẫn cách học một học liệu (sách giáo khoa) cụ thể về một môn học cụ thể, chứ không phải là hướng dẫn cách học nói chung cho sinh viên hệ đào tạo từ xa.

Thực tế ở Viện Đại học Mở Hà Nội, để nâng cao chất lượng đào tạo từ xa tại Viện Đại học Mở Hà Nội, Viện đã đưa ra các nhóm giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp công nghệ và quản lí. Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, giải pháp quản lí cần được thực hiện như sau: Hoàn thiện công tác tổ chức và quản lí đào tạo từ xa; Tăng cường năng lực của đội ngũ giảng viên; Tăng cường năng lực học tập của sinh viên từ xa, đặc biệt là khả năng tự học; Đổi mới phương pháp dạy và học…. PGS Nguyễn Mai Hương coi việc “tăng cường năng lực học tập của sinh viên từ xa, đặc biệt là khả năng tự học” là một nội dung của giải pháp quản lí đào tạo từ xa.

Vấn đề quản lí quá trình dạy – học trong đào tạo từ xa không mới nhưng chưa bao giờ cũ, các quan điểm được đưa ra thời gian qua, cho thấy: Việc quản lí dạy – học của đào tạo từ xa được coi là một nội dung của quản lí đào tạo, nhưng chủ yếu chỉ quan tâm, đề cập, nói đến quản lí việc dạy của giáo viên; Nhìn chung các tác giả đều thấy tầm quan trọng của việc quản lí học tập của sinh viên; Trong quản lí học tập của sinh viên có hai xu hướng: 1/ thiên về quản lí có tính chất hành chính, 2/ lưu ý phải tác động đến phương pháp học tập của sinh viên; Việc “tác động đến phương pháp học tập”, có hai luồng ý kiến: 1/ hướng dẫn tự học cho từng cuốn học liệu (sách giáo khoa) cụ thể; 2/ giúp người học “học cách học”.

Cả hai luồng ý kiến trên mới dừng ở mức nêu quan điểm chung chung, mà chưa tiến tới một đường hướng vừa có tính hệ thống vừa có tính cụ thể. Có thể cách thức này ở nơi này là hiệu quả, nhưng nơi kia thì lại có cách triển khai khác biệt, nhưng mấu chốt của vấn đề là đào tạo từ xa là một phương thức cố định – mong sao có được một mẫu số chung để cùng áp dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ