Dạy học ở những “làng cô lập” sau mưa lũ

GD&TĐ - Mưa lũ đã gây sạt lở, làm cô lập nhiều vùng dân cư địa bàn các huyện miện núi Tây Trà, Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi). Điều kiện đi lại học tập, dạy học của giáo viên, học sinh nơi đây hết sức gian khó. 

Dạy học ở những “làng cô lập” sau mưa lũ
Dạy học ở những “làng cô lập” sau mưa lũ ảnh 1Dạy học ở những “làng cô lập” sau mưa lũ ảnh 2Dạy học ở những “làng cô lập” sau mưa lũ ảnh 3Dạy học ở những “làng cô lập” sau mưa lũ ảnh 4

Vượt mưa lũ, bám trường, bám lớp

Ngày thường vào dạy học tại các điểm trường thôn Tây Múi, Sa Lung (xã Ba Trang), giáo viên có thể đi xe máy nhưng từ khi mưa lũ xảy ra, giáo viên phải đi bộ, hay phải khiêng xe qua những đoạn bị sạt lở để đến lớp.

Do đường sá quá nguy hiểm nên nhiều giáo viên cũng phải ở lại điểm trường trong những “lều tạm” dựng ngay cạnh lớp học. Cuộc sống, ăn uống hằng ngày đều phải nhờ sự trợ giúp của người dân địa phương.

Theo cô Phạm Thị My – Hiệu trưởng Trường TH Ba Trang, trong những ngày qua, ngay sau mưa lũ, công tác dạy học đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, để vào được các điểm trường dạy học, hàng ngày giáo viên phải đi bộ vượt nhiều km đường núi sạt lở vào thôn bản dạy học.

Theo thầy Huỳnh Giang Nam – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), tình hình mưa lũ trong những ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường vào các xã Ba Khâm, Ba Trang, Ba Nam bị sạt lở nghiêm trọng, khiến địa bàn bị chia cắt, làm ảnh hưởng đến sự đi lại của người dân, nhất là đối với các em học sinh và giáo viên các trường học trên địa bàn.

Hiện tại, các tuyến đường từ huyện Ba Tơ đi vào các xã Ba Khâm, Ba Trang, Ba Nam, Ba Bích có nhiều điểm sạt lở rất nặng, với khối lượng đất đá vùi lấp lớn, gây chia cắt một vùng rộng lớn gồm một phần xã Ba Bích, Ba Lế và xã Ba Nam. Mọi hoạt động sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều giáo viên và cán bộ từ đồng bằng lên công tác tại xã Ba Nam, Ba Trang đã phải ở lại địa phương dài ngày vì không có đường đi lại. Các thôn Tây Múi, Sa Lung (xã Ba Trang) gần như bị cô lập hoàn toàn.

Dạy học trong bộn bề khó khăn

Mưa lũ đã đi qua hơn 10 ngày qua, nhưng tình trạng đất đá sạt lở nằm chắn tuyến đường liên xã Trà Thọ, Trà Trung, Trà Lãnh, Trà Phong (huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa được khắc phục khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Việc đi lại dạy học của giáo viên, học sinh trên địa bàn cũng bị cản trở, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Theo thầy Vũ Tiến Lâm – Hiệu trường Trường THCS Trà Phong, mưa lũ đã gây sạt lở nhiều khu vực nhà dân, đất đá đổ lấp xuống khu vực trường học, làm hư hại khu vực nhà vệ sinh và 2 phòng học.

Hiện nay, tình hình hư hại vẫn chứa thể khắc phục vì khối lượng đất đá sạt lở quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động học tập của các em học sinh.

Theo thầy Phạm Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, tình trạng sạt lở cũng gây chia cắt tại thôn Nước Biếc, thôn Tre (xã Trà Thọ). Hiện 2 thôn này gần như bị cô lập hoàn toàn.

Nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân và học sinh, giáo viên, trong những ngày qua, chính quyền chỉ đạo lực lượng đến xử lý, khắc phục; đồng thời đưa lương thực, mì tôm hỗ trợ người dân.

Thầy Sơn cho biết: Ngay sau khi mưa lũ đi qua, các trường đã khẩn trương triển khai hoạt động trở lại bình thường, đồng thời bố trí thời gian dạy bù cho học sinh, nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Mặc dù, mưa lũ xảy ra liên tục, kéo dài trong những ngày qua, nhưng các giáo viên vẫn bám trường, bám lớp. Điều kiện ăn ở hết sức thiếu thốn nhưng giáo viên nào cũng chuyên tâm công việc, kề vai, sát cánh cùng học học sinh.

Thầy Huỳnh Giang Nam cho biết thêm: Để hạn chế những rủi ro đối với học sinh, giáo viên trong những ngày sau mưa lũ, ngành GD&ĐT huyện Ba Tơ đã chỉ đạo các trường tuyệt đối không để học sinh đi học khi đường sá chưa đảm bảo an toàn.

Các trường học phải thông báo cho phụ huynh khi con em học sinh đi học phải có người lớn dẫn dắt, hướng dẫn. Chủ động cho học sinh nghỉ học khi có mưa lớn xảy ra, đề phòng lũ, đảm bảo an toàn cho các em học sinh. Giáo viên không được chủ quan khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, nhất là ở các khu vực sạt lở, sông suối bị chia cắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ