Dạy con trong “hoang mang”: “Ma trận” các kiểu dạy con

Dạy con trong “hoang mang”: “Ma trận” các kiểu dạy con

Thử dùng công cụ tìm kiếm trên Google về “dạy con như thế nào”, chỉ trong 0,34 giây đã cho ra 63.000.000 kết quả, đủ thấy sự phong phú và đa dạng kinh người của lĩnh vực này.

Từ dạy con kiểu Đức, kiểu Mỹ, kiểu Nhật, kiểu Do Thái… đến đủ loại khác như kỷ luật không nước mắt, không đòn roi…

Loạn đầu vì các cách dạy con

Từ khi chuẩn bị sinh con trai đầu, vợ chồng anh Hòa chị Lan (quận 2, TPHCM) đã quyết định phải dạy con một cách hoàn hảo. Anh chị tìm đủ các thông tin về dạy con.

Cậu bé được áp dụng đủ kiểu, từ ăn dặm kiểu Nhật, tập ăn thô đến ngủ cũi, ngủ riêng… Nhưng là con đầu cháu sớm, cháu đích tôn của cả họ nên cậu bé được bà nội đặc biệt cưng chiều.

Những lúc có mẹ thì cậu được áp dụng đủ các kiểu dạy trẻ theo sách vở, tài liệu nhưng khi mẹ đi làm, bé được bà nội chiều chuộng mặc sức đòi hỏi.

Chị Lan đau đầu: “Tôi không biết phải làm thế nào nữa, góp ý với mẹ chồng thì bà tự ái, cho là bà không biết dạy cháu, mà không góp ý thì con tôi không hiểu sẽ ra cái kiểu gì, ngoan không ra ngoan, hư không ra hư. Giờ cháu 3 tuổi rồi, đang ở cái tuổi cực kỳ ngang bướng mà nhà tôi thì cứ lùng nhùng dạy con như thế này, thật sự tôi rất đau đầu”.

Không bị ảnh hưởng bởi ông bà, nhưng nhà chị Hoài (quận 4) lại “đau đầu” kiểu khác. Chồng chị đặc biệt yêu con và luôn quan niệm: Không đánh, không mắng, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, nhưng không phải lần nào nhắc con cũng nghe theo.

Chị đành phải sắm vai “ác”: Quắc mắt, phạt, đánh đòn con những lúc con ương bướng. Cậu con trai của anh chị học lớp 7 đang trong giai đoạn “nổi loạn”: Bỏ học, xăm hình, nuôi tóc dài, thậm chí còn lén lút hút thuốc và uống rượu.

Chị mệt mỏi: “Chồng tôi nói nước ngoài không ai đánh mắng con hết, nên cho dù con mắc lỗi đến đâu, anh đều tươi cười ngồi nói chuyện. Thế nên con tôi nó “nhờn” với ba nó, nói nó đâu có nghe. Tôi mắng, tôi đánh, phạt thì cũng chỉ có tác dụng khi con còn nhỏ, giờ nó lớn rồi, đâu đánh mắng mãi được. Tôi cũng nhiều lần khuyên nhủ nhưng chỉ được vài bữa là nó lại trốn học, đánh nhau. Tôi không biết vợ chồng tôi đã dạy con sai ở đâu”.

Cũng áp dụng đủ kiểu dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, con gái chị Thụy Anh (quận Tân Phú, TPHCM) mới 5 tuổi nhưng gần giống như “vật thí nghiệm” của mẹ.

Chị đặc biệt thích đọc các tài liệu về dạy con rồi về áp dụng cho con mình. Ban đầu, chị áp dụng dạy con kiểu Mỹ: Cho con nằm riêng, ngủ riêng trong phòng, tắt đèn khi ngủ, kể cả khi con khóc cũng không dỗ mà để con tự nín.

Tuy nhiên, cô bé vốn là một đứa trẻ nhút nhát, hướng nội nên sau những lần bị “bỏ rơi” trong phòng ngủ một mình, bé đã mắc thêm chứng sợ bóng tối.

Rồi chị học cách người Nhật để rèn bé tính tự lập, bắt con tự đi học, tự đi siêu thị dưới nhà mua đồ… Chồng chị phàn nàn: “Con bé sinh ra thiếu tháng, nhẹ cân, thể chất vốn khá yếu ớt, thêm vào đó tính con cũng yếu đuối, hay khóc, hay tủi thân mà vợ tôi cứ nhất định áp dụng các kiểu dạy con thế này thế khác.

Tôi không biết có tốt thật hay không nhưng trước mắt, tôi thấy con tôi đang ngày càng sợ tiếp xúc với người lạ, sợ bóng tối. Tôi cũng nói vợ nhiều mà cô ấy cứ biện minh phải làm như vậy con mới tự tin, mới trưởng thành. Vợ chồng tôi nhiều lần xung đột, cãi nhau cũng chỉ vì các kiểu dạy con như thế”.

Dạy con trong hoang mang

Chưa bao giờ chủ đề nuôi dạy con cái lại nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay. Các nhà xuất bản chạy đua trong địa hạt sách dạy con, trong khi các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ mọc lên như nấm sau mưa với hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượt theo dõi.

Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận rằng bất chấp vô số nguồn thông tin miễn phí và bổ ích, cha mẹ Việt vẫn đang "rối như gà mắc tóc" khi đối diện với con cái của mình.

Theo Thạc sĩ Nam-Phương April Hoàng, nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Queensland, Australia, thời đại Internet xoá bỏ hoàn toàn nỗi lo thiếu hụt thông tin nhưng lại mang đến một nỗi lo thường trực khác cho các cha mẹ Việt: Nỗi lo bội thực thông tin.

Phụ huynh có thể lấy thông tin từ Internet, sách hoặc các khoá đào tạo kỹ năng dạy con, nhưng phần lớn các sách dạy con hiện nay mới chỉ tiếp cận ở bề mặt mà không đi sâu vào bản chất tâm lý của trẻ cũng như các nguyên tắc cốt lõi của việc nuôi dạy con.

Thạc sĩ Nam-Phương cho biết, kinh nghiệm của đứa trẻ này khi áp dụng lên đứa trẻ khác có thể không đem lại hiệu quả.

Các sách dạy con theo phương pháp nước ngoài như dạy con kiểu Nhật, dạy con kiểu Phần Lan hay dạy con kiểu Do Thái cũng rất được ưa chuộng nhưng bố mẹ Việt vẫn áp dụng không thành công, lý do là bởi phông nền văn hoá và môi trường sống cũng như hoàn cảnh xã hội không tương đồng dẫn đến nhiều khập khiễng.

Đây hoàn toàn không phải trường hợp của riêng Việt Nam, mà là câu chuyện của rất nhiều nước châu Á - sử dụng máy móc mà không hề sàng lọc yếu tố văn hoá.

Ví dụ, sách khuyên rằng phụ huynh nên phớt lờ khi con ăn vạ, nhưng lại không chỉ rõ thời gian phớt lờ bao lâu, cách làm như thế nào thì hiệu quả, hay hành vi nào nên phớt lờ còn hành vi nào thì không…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, các khoá học online và các khoá học về nuôi dạy con do thời lượng rất ngắn nên thường chỉ ra cho phụ huynh biết họ đang làm sai và làm sai ở đâu, nhưng lại không chỉ cho họ làm thế nào là đúng. Phụ huynh luẩn quẩn trong cảm giác thất bại, nhưng vẫn đi theo vết xe đổ đó vì không còn lựa chọn nào khác.

Theo nghiên cứu sơ bộ của dự án Nâng cao năng lực nuôi dạy con giữa các thế hệ gia đình Việt Nam trên hơn 500 phụ huynh ở cả ba miền Bắc Trung Nam, 41,6% cha mẹ có dấu hiệu của stress nặng và 55,2% phụ huynh có dấu hiệu trầm cảm.

Không những gây ảnh hưởng tới tương tác của cha mẹ với trẻ, mức độ stress cao của phụ huynh còn tác động xấu tới cảm giác an toàn của con cũng như mối quan hệ đối với những người trong vòng tròn cùng chăm sóc và nuôi dưỡng con cái.

Theo chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên, bước đầu tiên trong hành trình nuôi dạy con là cha mẹ phải xác định được mục tiêu nuôi dạy con của mình. Dù là thúc đẩy con học giỏi và thành công trong sự nghiệp hay là để con thoải mái khám phá tự do, phụ huynh cần vạch rõ định hướng nuôi dạy trẻ trước khi chọn cho mình phương pháp phù hợp.

Cùng với đó, phụ huynh cần hiểu được bản thân mình, hiểu được con và hiểu được hoàn cảnh cũng như điều kiện mà gia đình đang có.

Có một tình trạng phổ biến ở các cha mẹ Việt là khi chọn sách và chọn theo đuổi một phương pháp nào đó thường chỉ quan tâm tới con mà không để ý đến cảm xúc của mình trong khi phụ huynh cần phải hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của mình để lựa chọn được phương pháp khiến mình thoải mái trong quá trình áp dụng.

Quan trọng nhất là cần chú ý tính nhất quán trong giáo dục trẻ. Nếu đã chọn lựa một phương pháp, ví dụ như dạy con kiểu Nhật thì nên thống nhất sử dụng, tránh tình trạng "nửa nạc nửa mỡ" khi áp dụng nhiều phương pháp khác nhau cùng một lúc.

Tuy vậy, phụ huynh cũng cần quan sát theo dõi phản ứng của con, nếu trong một khoảng thời gian từ vài tuần tới vài tháng trẻ có dấu hiệu phản ứng tiêu cực mãnh liệt thì nên xem xét chuyển đổi phương pháp.

Quan trọng nhất là phụ huynh thấu hiểu bản thân mình và con trẻ một cách tường tận và sâu sắc trước khi lựa chọn bất kỳ phương thức nào.

Cha mẹ không nên sốt ruột khi dạy con vì giáo dục là cả con đường dài. Dù áp dụng phương pháp giáo dục nào, cha mẹ cũng không nên quá sùng bái. Phụ huynh hãy biết lựa chọn điều hay, phù hợp ở mỗi phương pháp căn cứ trên nhận thức của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.