Dạy con học ở nhà không dễ

GD&TĐ - “Chuyện cho con tự học đối với nước ngoài là không hiếm, tuy nhiên đây là những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, có đủ tri thức để giảng dạy và có nhiều thời gian. 

Dạy con học ở nhà không dễ

 Cho con tự học ở nhà là việc khó triển khai rộng rãi và không thể áp dụng một cách rập khuôn ở nước ta...” - Đó là chia sẻ của GS.NGND Võ Tòng Xuân xung quanh vấn đề dạy học tại nhà đang thu hút sự chú ý của dư luận thời gian qua.

Khi muốn dạy học cho con tại nhà trước hết phải có thời gian (không phải làm việc gì khác), phải có điều kiện kinh tế ổn định, phải có kiến thức rộng và có nghiệp vụ sư phạm…

Đối với những điều kiện này, sẽ có rất ít người đảm bảo được. Vì xã hội nước ta hiện nay không phải ai cũng có đủ điều kiện chỉ ở nhà dạy con học.

Ví dụ như hai vợ chồng trẻ sinh đứa con đâu phải như ngày xưa là bà mẹ ở nhà lo nuôi con. Giờ đây họ phải cùng chồng lo làm việc để mưu sinh, lo cho gia đình. Nếu ai cũng ở nhà dạy con học thì xã hội này ai sẽ làm việc? Ai tham gia lao động sản xuất ở các ngành nghề?

Có người cho rằng, việc một số phụ huynh không cho con đến trường để tự học ở nhà do họ không hài lòng với nền giáo dục hiện tại. Có thể do chương trình quá tải, gò bó và con em họ khó có thể thích nghi…

Theo tôi, các trường hợp cho con tự học ở nhà chủ yếu để làm “bước đệm” cho việc đi du học nước ngoài. Đây là mục tiêu do gia đình xác định từ trước.

Đó là quyền tự do của họ, họ có phương hướng cho con đi học nước ngoài khi gia đình có đủ điều kiện kinh tế, có đủ kiến thức để dạy thì họ lựa chọn, đó cũng là một điều tốt. Tuy nhiên đây chỉ là số ít trường hợp hội đủ những điều kiện để cho con tự học tại nhà và theo hướng du học, còn việc áp dụng rộng rãi thì không dễ.

Tôi đã có nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục, đã nghiên cứu kỹ chương trình giáo dục các cấp. Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông của ta vẫn còn những bất cập và đã được các nhà chuyên môn chỉ ra. Để tháo gỡ những bất cập này, ngành GD&ĐT đã kịp thời xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chương trình này đang được ngành GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến. Đây là một tín hiệu khả quan. Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi thấy Chương trình mới có thể đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của học sinh và phụ huynh về một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến, bắt kịp sự phát triển của thế giới.

Ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều người nhìn vào cứ tưởng học nhiều nhưng thực sự không phải vậy. Vì khối lượng kiến thức chưa đưa vào cụ thể nhưng các môn học đã được tính toán thiết kế theo hướng tinh gọn rất nhiều, không phải học chi tiết.

Nếu Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai một cách đồng bộ, với một hệ thống giáo dục tiên tiến, thi cử để kiểm tra lại kiến thức chứ không phải vì bằng cấp thì tôi tin sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta sẽ phát triển vượt bậc.

Do đó, các bậc phụ huynh hãy yên tâm và tin tưởng vào nền giáo dục nước nhà. Bởi cho con đến trường không phải chỉ để học kiến thức mà ở đó các em còn có thầy cô, bạn bè, những ký ức đẹp của tuổi học trò…

Trong bối cảnh hiện nay, nhà trường phải chú ý dành nhiều thời gian để cho các em sinh hoạt tập thể, đội, nhóm và đi tìm hiểu xã hội…

Đào tạo làm sao để trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông cơ bản, từ việc nhỏ đến việc lớn với những kiến thức thực tiễn. Tôi thấy trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, điều này được chú trọng rất nhiều.

Tôi cho rằng, việc cho con học ở nhà ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc với thầy cô, bạn bè, trường lớp. Nếu cha mẹ tách biệt con với nhà trường, chỉ mong được phần kiến thức mà bỏ qua sự phát triển tư duy, kỷ luật, môi trường tập thể thì con sẽ trở thành “mọt sách”; không biết sống tự lập trong xã hội.

Dạy con học ở nhà không dễ ảnh 1 GS Võ Tòng Xuân
“Xã hội hiện nay cần con người phát triển toàn diện, trẻ phải có học, có chơi, có tiếp xúc xã hội, đoàn thể… Nếu cha mẹ tách biệt con với nhà trường, chỉ mong được phần kiến thức mà bỏ qua sự phát triển tư duy, kỷ luật, môi trường tập thể thì không khéo sẽ khiến con trở thành “mọt sách”, khi học những kiến thức đó mà không biết áp dụng như thế nào trong cuộc sống”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ