TS. Vũ Thu Hương chia sẻ câu chuyện về một phụ nữ đang gặp bế tắc trong chuyện dạy con gái riêng của chồng năm nay 13 tuổi. Nuôi con chồng từ lúc cháu được 6 tuổi nhưng chị không được dạy dỗ hay chỉ bảo gì con vì ở cùng mẹ chồng và chị chồng trong 1 nhà và bà thường bênh vực cháu. Đến khi mẹ chồng và chị chồng không ở cùng nữa thì chị lại không thể dạy con được.
Theo lời kể của người phụ nữ này, con riêng của chồng chị đã 13 tuổi nhưng không biết làm gì để phụ giúp bố mẹ. Từ quét nhà tới dọn dẹp, cháu rất lười và bẩn. Quần áo thì vứt lung tung. Sách vở học xong thì mỗi nơi 1 quyển không bao giờ bàn học được gọn gàng. Thậm chí chuyện tắm gội, đánh răng,vệ sinh cá nhân cháu cũng không chịu làm đến nơi đến chốn nếu không được nhắc nhở tận nơi. Ngày nào mẹ cũng nói cũng dạy từng li từng tí một, thậm chí dùng đòn roi nhưng đâu lại vào đấy.
Dưới góc độ tâm lý, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ với chị em khó khăn khi nuôi dưỡng con riêng của chồng. Trẻ thường hay có tâm lý ghét bỏ vợ của bố, cộng thêm các tác động của những người xung quanh như bà nội, bác,… cháu không nghe lời mẹ kế cũng là điều không quá khó hiểu.
Giáo dục trẻ nói chung là một quá trình khó khăn và lâu dài. Nếu bạn đủ tình yêu với con thì sẽ làm được. Vấn là đứa trẻ đó đang thiếu thốn tình cảm và sợ bạn sẽ hại nó như những gì người xung quanh đe dọa. Để giáo dục được con, bạn cần phải xóa tan cảm giác này của con. Đánh con là biện pháp hoàn toàn sai, có thể gây tác dụng ngược và khiến vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng
TS. Vũ Thu Hương đưa ra các bước giúp người lớn xóa dần rào cản và thành công trong việc nuôi dạy con riêng của vợ hoặc chồng:
Viết thư tình cảm cho con: Bạn hãy kể với con cảm xúc của bạn khi thấy con đáng yêu thế nào lúc nhỏ. Hãy kể những kỉ niệm vui vui mà cả hai đã có. Cuối thư hãy thổ lộ tình cảm chân thực của mình cho con biết.
Bạn hãy giảm bớt các khắt khe đi. Hãy chấp nhận một số điều chưa được của con để đặt trọng tâm vào những điểm nào quan trọng và phải giải quyết đầu tiên. Hãy thông cảm với con vì tuổi teen thường không thể chỉn chu như người lớn. Bạn hãy nhớ về tuổi teen phá phách làm càn của bạn thì sẽ thông cảm với con dễ dàng hơn.
Hãy chăm sóc con nhẹ nhàng và đừng can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con. Những câu chuyện nho nhỏ hàng ngày xảy ra với những người xung quanh và cách xử trí của họ chính là bài học tốt nhất để dạy con. Vì thế, thay vì chỉ bảo con phải làm việc này việc kia, bạn hãy kể cho con nghe các câu chuyện vấp váp của người khác xung quanh. Cách chia sẻ tế nhị này sẽ giúp con hoàn chỉnh bản thân tốt hơn nhiều là những lời giáo huấn.
Khuyến khích con mời bạn bè đến chơi liên tục. Ngại bạn chê trách, chắc chắn con sẽ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng hơn.
Về vẻ bề ngoài, bạn có thể yên tâm là chỉ cần bạn bè nói “cạnh khóe” 1, 2 câu, con sẽ chỉn chu ngoại hình ngay lập tức mà bạn không cần mất công chỉ bảo. Hãy đưa con đi chọn đồ và để con tự mình lo cho vẻ bề ngoài của con, tự giặt giũ, tự chăm sóc chính mình. Bạn sẽ thấy con thay đổi rất nhanh khi bị bạn chê bai có chừng mực.
Bạn đừng ép đứa trẻ phải thân thiết với mình. Chỉ có sự tiếp xúc hàng ngày cộng với tình cảm chân thật nhất bạn dành cho con sẽ cảm hóa được con.
Khi bạn cảm thấy con đang buồn chán hoặc cô đơn, hãy ở bên con, thầm lặng chăm sóc nhưng không gợi chuyện. Chính thái độ quan tâm này của bạn sẽ cảm hóa trái tim “bằng đá” của đứa trẻ tan chảy.
Dạy con đã khó, dạy con chồng còn khó hơn. Đây là một công việc vất vả đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thực sự bạn dành cho con. Hãy bên con và dành cho con tình yêu thương vô điều kiện của bạn. Niềm vui và sự hòa hợp của một đứa trẻ lớn lên từ đổ vỡ với người cha, người mẹ mới chính là hạnh phúc tròn đầy khi chúng ta đã chấp nhận làm người hàn gắn những mảnh vỡ.