Xét về một khía cạnh nào đó, điều này là dễ hiểu. Bởi phương thức bán hàng được Google áp dụng cho các smartphone Nexus vốn không kèn, không trống cũng chẳng rợp bóng cờ hoa như các nhà sản xuất hiện nay.
Trên thực tế, các smartphone Neuxs không được trưng bày tại các cửa hàng bán lẻ của Google, cũng không sử dụng các chiến dịch quảng cáo để đánh bóng tên tuổi sản phẩm, và càng không tổ chức các sự kiện, chiến dịch lớn để giới thiệu iPhone như Apple.
Nhiều người cho rằng, đây là một cách bán hàng khá lạ lùng. Nhưng kì thực, những chiếc điện thoại cao cấp do Google tạo ra luôn đem tới những trải nghiệm quá xuất sắc, trong khi giá bán lại phù hợp với đại đa số người dùng.
Đặc biệt, trong năm nay, Google đã tung ra tới 2 chiếc smartphone Nexus: phiên bản LG Nexus 5X đã lên kệ, và phiên bản Huawei Nexus 6P chuẩn bị được bán ra. Thông qua những đánh giá từ nhiều chuyên gia, bộ đôi Nexus trong năm nay cho khả năng xử lý tác vụ nhanh chóng, hoạt động mượt mà và hết sức thuần khiết.
Cũng chính vì lẽ này, người dùng lại đặt ra một câu hỏi: với những chiếc smartphone tốt như vậy, tại sao Google lại không đặt chúng tại các cửa hàng bán lẻ của mình?
Smartphone Nexus chính là thánh chỉ
Sẽ rất khó để đưa ra một câu trả lời trọn vẹn cho thắc mắc trên. Còn theo các chuyên gia, Google dường như không muốn tại ra những chiếc iPhone thứ 2. Mục tiêu của hãng là dẫn đường chỉ lối cho các nhà sản xuất Android hiện thời, thay vì cạnh tranh trực tiếp với họ.
Chia sẻ với trang Techinsider, đại diện Google cho hay: "Đối với chúng tôi, các chương trình Google Nexus sẽ giúp xúc tiếp các giải pháp phần mềm và phần cứng cho nền tảng Android. Dựa vào những kinh nghiệm của bản thân, các thiết bị Nexus là cách mà chúng tôi trình diễn những tiềm năng của hệ điều hành Android.
Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã tạo ra hàng loạt các smartphone Nexus như Nexus One, 4, 5, 6, 5X, 6P và cả các dòng tablet như Nexus 7 và 10. Thông qua các sản phẩm này, chúng tôi muốn cho cả thế giới thấy rằng, đây là tất cả những gì mà Android cũng như Google làm được".
Tuy nhiên, có vẻ như câu trả lời này vẫn chưa thực sự thỏa đáng với những thắc mắc của người dùng. Bởi rõ ràng, nhìn về phía các đối thủ của Google hiện nay, như Apple là một ví dụ. Công ty này cũng kết hợp chặt chẽ yếu tố nền tảng và phần cứng trên tất cả những chiếc iPhone của mình.
Trên thực tế, Apple đã hết sức thành công trên thị trường di động hiện tại. Trong báo cáo tài chính Q3/2015, iPhone đã đem về doanh thu 31,3 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kì năm ngoái là 19,7 triệu USD. Điều này đồng nghĩa, nếu đầu tư nghiêm túc như Apple, Google hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế.
Vậy nếu mục tiêu của Google không phải là doanh thu của dòng Nexus, chỉ đơn thuần là tài liệu tham chiếu cho các nhà sản xuất điện thoại Android, thì tại sao phần đông các ông lớn như Samsung hay LG lại không lưu ý điều này?
Với những mẫu sản phẩm có sự kết hợp giữa Google và các công ty phần cứng như OnePlus hay Motorola trong thời gian gần đây, người dùng đều có cơ hội trải nghiệm các smartphone Android thuần khiết. Thế nhưng, với những cái tên như Samsung, LG hay Xiaomi, đây lại là một câu chuyện khác.
Các nhà sản xuất này thường xuyên tùy biến lại các phiên bản Android mà Google cung cấp, từ các ứng dụng lịch, email, tin nhắn cho tới các tính năng cao cấp hơn. Trong đó, lý do lớn nhất khiến họ buộc phải làm trái ý Google là nhằm tạo dựng thương hiệu cũng như bản sắc riêng cho các smartphone của mình.
Google liệu có coi Samsung hay LG là đối thủ ?
Nhằm trả lời cho câu hỏi trên, đã có một giả thuyết được đưa ra: Google không bao giờ muốn làm tổn hại tới các đối tác, bởi điều này có thể khiến các nhà sản xuất ngưng sử dụng nền tảng Android. Một khi điều này xảy ra, túi tiền của Google sẽ sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí, sẽ chẳng còn ai sử dụng các dịch vụ của Google.
Thế nhưng, ở phía ngược lại, nếu từ bỏ Android, các nhà sản xuất lớn như Samsung, LG hay HTC cũng sẽ nhận về những kết quả tồi tệ chẳng kém.
- Hiện vẫn chưa có một nền tảng nào khác đủ tầm và sức để thay thế hệ điều hành Android ở thời điểm hiện tại. Nếu chia tay với Android, các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt ứng dụng. Bởi để xây dựng một khu chợ Play Store như hiện nay, các nhà phát triển sẽ mất hàng năm trời để đập đi xây lại.
- Không ai trong số các nhà sản xuất phần cứng như Samsung, LG hay HTC thực sự sở hữu một hệ điều hành di động hoàn thiện đủ để thế chỗ Android. Ngay cả Tizen OS của Samsung hay Firefox OS của Mozilla cũng không phải đối thủ của Android.
Nhìn chung, dù muốn hay không, mối quan hệ của Google và các nhà sản xuất Android vẫn là hợp tác, cùng phát triển. Trên thực tế, dù đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt trong mối quan hệ này, nhưng xét cho cùng, vì lợi ích của cả đôi bên, họ vẫn phải bằng mặt nhưng không bằng lòng.
Vậy tại sao Google lại làm điện thoại Nexus?
Rõ ràng, các smartphone Nexus 5X và Nexus 6P trong năm nay đều là các sản phẩm thượng hạng, với chất lượng camera tốt hơn, thời lượng pin đã được cải thiện. Nhưng cái cách mà Google bán ra smartphone Nexus sẽ là một câu hỏi lớn cho người dùng.
Bởi trên thực tế, việc đặt mua được một chiếc điện thoại Nexus là khá khó khăn. Ngoại trừ việc đặt mua từ các nhà sản xuất như LG hay Huawei trong năm nay, chúng ta sẽ buộc phải đặt hàng trực tuyến các mẫu smartphone Nexus, với rất nhiều thủ tục đặt / chuyển hàng phức tạp.
Do đó, điều này phần nào sẽ ảnh tới trực tiếp doanh số cũng như lợi nhuận của bộ đôi Nexus 5X hay Nexus 6P trong năm nay. Tóm lại, không vì tiền cũng không vì cạnh tranh, tại sao Google lại tạo ra những chiếc smartphone Nexus?