Chiều 20/7, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Sơn La đã tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân là người trong một gia đình, gồm vợ chồng ông Tòng Văn Xi, bà Lèo Thị Luân, 2 con trai Tòng Văn Thành, Tòng Văn Quân và con dâu là Quàng Thị Mai, cùng trú tại bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La có biểu hiện bị ngộ độc.
Cấp cứu hồi sức cho các bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Ảnh: Báo Công lý |
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, những người này bị ngộ độc vì ăn một loại nấm rừng.
Bác sĩ Mè Thị Xuân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc, BVĐK tỉnh Sơn La cho biết, sau khi tiếp nhận, BV đã tiến hành xét nghiệm và cấp cứu ban đầu cho các bệnh nhân.
Đến nay, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đảm bảo các điều kiện chăm sóc và giải độc tốt nhất, BV đã quyết định chuyển các bệnh nhân về Trung tâm chống độc BV Bạch Mai ngay trong đêm 20/7.
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 18/7, gia đình ông Tòng Văn Xi đã ăn một loại nấm lấy từ trên rừng về. Do từ trước đến nay người dân trong bản vẫn ăn, nhưng chưa xảy ra trường hợp bị ngộ độc nào, nên 5 người trên vẫn ăn bình thường.
Tuy nhiên, đến ngày 19/7 thì cả gia đình có biểu hiện đau đầu, buồn nôn và đau bụng… và phải nhập viện để cấp cứu.
Thời gian gần đây ở các tỉnh miền núi liên tục xảy ra các vụ ngộ độc do ăn nấm rừng. Nhiều vụ số người bị ngộ độc lên tới 20 người và đã có trường hợp tử vong.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 6, một gia đình gồm 6 người ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) bị ngộ độc do ăn nấm rừng có tai màu đỏ thân màu trắng, cây nấm to nhất bằng nắm tay của người lớn.
Sau khi ăn, hai vợ chồng cùng 4 người con đều bị ngứa cổ, nôn và đau bụng, tiêu chảy. Tối cùng ngày, cả gia đình được chuyển cấp cứu vào BVĐK tỉnh Quảng Trị. Sau 2 ngày điều trị tích cực, 6 bệnh nhân đã bình phục.
Vụ ngộ độc nấm nhiều người mắc nhất xảy ra vào cuối tháng 5, 20 người thuộc các hộ gia đình dân tộc Tày ở xóm Bản Đoài, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh ăn cơm có món nấm hái ở rừng về, đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài và đã được đưa đến Trạm y tế xã Ngọc Long sơ cứu, gây nôn, truyền dịch kịp thời.
Cách nhận biết nấm độc
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ đầu năm 2015 đến hết tháng 5, cả nước đã ghi nhận 12 vụ ngộ độc do nấm độc, làm 56 người mắc, 52 người đi viện và 4 người tử vong.
So với cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng một vụ, số mắc tăng 10 người, số đi viện tăng 7 người, tuy nhiên tử vong giảm 9 người.
Riêng trong tháng 5 đã xảy ra 10 vụ ngộ độc nấm. Kon Tum là địa phương ghi nhận nhiều nhất với 4 vụ. Tiếp đến là một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu 2 vụ; Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái xảy ra một vụ.
Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón.
Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.
Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
Người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần. Rất khó có thể phân biệt được nấm độc và nấm lành nên tốt nhất người dân tự trồng nấm ăn vừa bảo đảm an toàn, ngon, rẻ, giá trị dinh dưỡng cao.
Cần phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm (buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu…), và nếu có các triệu chứng này cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Những cây nấm có dấu hiệu sau đây sẽ là nấm độc: Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc. Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm. |