Dấu hiệu dễ nhận thấy ở người mắc Covid-19

GD&TĐ - Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19” do Bộ Y tế ban hành, người mắc Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ đến những biểu hiện bệnh lý nặng và tử vong.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 (cập nhật lần thứ 7) ban hành cùng Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6/10 của Bộ Y tế, giai đoạn ủ bệnh của người mắc Covid-19 thường kéo dài 2-14 ngày, trung bình là 5-7 ngày. Trong đó, người nhiễm biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Giai đoạn khởi phát

Ở giai đoạn khởi phát, chủng Alpha gây các triệu chứng sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng... Chủng mới Delta gây ra triệu chứng đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.

Diễn biến bệnh đối với chủng Alpha là 80% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng và diễn biến nặng thường khoảng 5-10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện suy hô hấp cấp, tổn thương phổi do Covid-19, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan, bao gồm tổn thương thận cấp, tổn thương não, tổn thương tim và dẫn đến tử vong.

Đối với chủng Delta, tỷ lệ nhập viện cấp cứu là 5,7% (cao hơn tỷ lệ 4.2% của chủng Alpha), tỷ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong đều tăng hơn so với các chủng trước.

Ngoài ra, chủng Delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh, biểu hiện ở việc gia tăng nhu cầu oxy, nhập ICU, hoặc tử vong so với những chủng khác. Chủng Delta có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần so với 19A/19B và khả năng lây lan cao hơn 15-20% so với chủng khác.

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát sẽ diễn ra 4-5 ngày sau khi nhiễm bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh nhân ho nhiều hơn, đau ngực, cảm giác ngạt thở, sợ hãi, tuỳ mức độ bệnh nhân, thở sâu, phổi thường không ran, mạch thường không nhanh. Khoảng 5-10% bệnh nhân có thể giảm oxy máu thầm lặng.

Những trường hợp này bệnh nhân không có cảm giác khó thở nhưng SpO2 giảm nên rất dễ bị bỏ qua. Thể nặng của bệnh có biểu hiện giống Hội chứng suy hô hấp cấp nặng người lớn (ARDS) (là hội chứng hô hấp lâm sàng, có biểu hiện thở khó, nặng, khởi phát nhanh, thâm nhiễm phổi và thiếu oxy máu dẫn tới suy hô hấp).

Về tuần hoàn, bệnh nhân có các triệu chứng thường không đặc hiệu như đau ngực, mệt mỏi, khó thở, ho. Huyết áp tụt, mạch nhanh, rối loạn nhịp, da, đầu chi lạnh, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, rối loạn nhịp chậm hoặc nhanh, suy tim cấp và sốc tim do suy tim trái (như Hội chứng trái tim vỡ, viêm cơ tim) hoặc suy tim phải cấp, thuyên tắc động mạch phổi, tràn dịch màng ngoài tim, nhồi máu cơ tim cấp, sốc nhiễm khuẩn thứ phát do Covid-19, tâm phế cấp (Acute cor pulmonary).

Trong giai đoạn toàn phát, khoảng 5-7% bệnh nhân Covid-19 xuất hiện tổn thương thận cấp (AKI) và trong số bệnh nhân Covid-19 nhập ICU có tới 29-35% người có biểu hiện tổn thương thận cấp.

Bệnh nhân Covid-19 có bệnh thận từ trước như đái tháo đường, tăng huyết áp có nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong gấp 3 lần so với không có bệnh nền. Bệnh nhân có thể thiểu niệu hoặc đái nhiều, nước tiểu có protein, đái máu vi thể hoặc đại thể, các biểu hiện của hội chứng ure máu cao ít gặp, nhưng thường nặng trên người bệnh đã có suy thận từ trước.

Về thần kinh, bệnh nhân có những biểu hiện: Rối loạn ý thức theo các mức độ (nhẹ thì còn tỉnh, nặng nhất là hôn mê); hội chứng liệt nửa người (liệt vận động có hoặc không tê bì, dị cảm); thất ngôn; mất thị lực, bán manh, góc manh; liệt dây thần kinh sọ; rối loạn cơ tròn; giảm hoặc mất khứu giác; viêm não màng não, thoái hoá não, viêm đa rễ và dây thần kinh như hội chứng Guillain Barre, bệnh não do Covid-19.

Virus xâm nhập vào tế bào dẫn tới viêm tế bào biểu mô làm giảm hấp thu, mất cân bằng bài tiết ở ruột và hoạt hóa hệ thống thần kinh của ruột, dẫn tới tiêu chảy. Tỷ lệ xuất hiện tiêu chảy từ 2-50% trong những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tiêu chảy phân lỏng cũng có khi phân toàn nước 7-8 lần/ngày và thường xuất hiện vào ngày thứ tư của khởi phát bệnh.

Bệnh nhân có thể có vàng da, suy gan, tăng men gan, suy gan cấp, hôn mê gan. Tăng đường máu ở bệnh nhân có đái tháo đường từ trước, hoặc tăng đường máu liên quan sử dụng corticoid có thể biến chứng: Đái tháo đường mất bù, toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu…

Về huyết học, bệnh nhân có thể bị tăng đông, rối loạn đông máu do nhiễm trùng (SIC) và đông máu nội mạch (DIC), hội chứng thực bào máu/hội chứng hoạt hoá đại thực bào, bệnh vi mạch huyết khối (TMA) với ban giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) và hội chứng tăng ure huyết tán huyết (HUS), giảm tiểu cầu do heparin (HIT) do điều trị thuốc chống đông (LMWH: heparin trọng lượng phân tử thấp). Bệnh nhân có thể gặp huyết khối gây tắc động mạch hoặc tĩnh mạch chi 2 bên.

Da của bệnh nhân có biểu hiện ngứa, đau/bỏng rát với hình thái bao gồm các ban dạng mề đay, các ban dạng hồng ban, phát ban dạng mụn nước mụn mủ, phát ban giống dạng cước ở đầu ngón tay chân, ít gặp hơn phát ban dạng lưới (chỉ điểm bệnh diễn tiến nặng), giống tổn thương xuất huyết chủ yếu ở chi, ban đỏ đa hình thái ở tay chân niêm mạc, kết mạc miệng, viêm kết mạc ở trẻ em.

Giai đoạn hồi phục

Ở giai đoạn này, những trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.

Những trường hợp nặng, biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng. Những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài. Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2 gặp các rối loạn kéo dài như bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.