Đau đầu với lớp chọn!

Đau đầu với lớp chọn!

(GD&TĐ) - Thực trạng trường điểm, lớp chọn đã xảy ra ở không ít địa phương, thu hút sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo, HS và phụ huynh. Giáo dục là bình đẳng, tuy nhiên có bình đẳng không khi HS giỏi được gom vào một lớp, HS trung bình, yếu, kém thì vào lớp riêng. Chúng ta không phủ nhận lớp chọn vì đây được xem như mũi nhọn - niềm tự hào của mỗi trường phổ thông nhưng nó thật sự “nóng” khi nhà trường lạm dụng “quá tay” việc chọn lớp…   

Từ khát vọng của nhà trường

Những tưởng lớp chọn thường có ở các trường chuyên, những trường có bề dày thành tích và khá tiếng tăm nhưng thực chất lớp chọn đã được hình thành khá âm thầm và cũng rất sôi động trong các trường phổ thông bình thường. Mặc dù có quy định không được tổ chức thi tuyển, thành lập các lớp chọn trong trường phổ thông ở các cấp học nhưng việc mở lớp chọn vẫn diễn ra. Không ai bảo ai nhưng thực chất mỗi trường có cách làm riêng và quan trọng là “khéo vận dụng” để có thể duy trì các lớp chọn. 

Năm học 2012-2013, trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP. Cần Thơ, tuyển được một lớp chọn 10A2 với 35 HS. Lớp được hình thành qua hình thức thi tuyển từ các lớp chuyên môn tự nhiên. Sau khi hoạt động, duy trì được 3 tuần, ngày 27.9.2012, Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ đã “tuýt còi” và có công văn yêu cầu ngưng tổ chức lớp chọn 10A2 và đưa HS trở lại các lớp chuyên đã tổ chức trước đó. Theo đó nguyên nhân lớp chọn bị giải tán là tổ chức lớp chọn khối 10 trên cơ sở tuyển lựa HS từ các lớp chuyên hiện có chưa được nghiên cứu kỹ, chưa có cơ sở khoa học và trái với quy định của Bộ GD&ĐT…

Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà giáo cho biết, lập lớp chọn trong trường chuyên hay trường phổ thông tuy là trái quy định nhưng nếu duy trì tốt, đúng hướng sẽ là những lớp mũi nhọn của nhà trường, chất lượng GD sẽ vượt trội để cung cấp những HS thuộc hàng “top” cho địa phương và cho đất nước. Quan trọng là làm sao tạo thế cân bằng trong môi trường GD, không để người giỏi càng giỏi thêm mà người dở thì càng tệ. Đặc biệt là có sự đồng thuận, không gây nên sự phân biệt trong nhà trường, đặc biệt là GV, HS và phụ huynh. 

Thầy, trò đều áp lực! 

Thực tế xảy ra ở không ít trường phổ thông là việc lựa HS vào lớp chọn khá gắt gao. Thường vào cuối năm học hằng năm sẽ có một đợt “thanh lọc”, những em HS giỏi, xuất sắc của các lớp sẽ gom vào lớp chọn mới, những em khá vào lớp khác, còn HS trung bình, yếu, kém sẽ gom vào một hay vài lớp. 

Một GV cho biết, có trường THPT lọc HS ngay từ đầu lớp 10, khi tuyển vào sẽ chọn những HS điểm cao nhất vào một lớp, sau khi kết thúc lớp 10 trường sẽ lọc lại những em HS giỏi khối 10 để vào lớp chọn 11, cứ như thế nhà trường lọc cho đến lớp 12 sẽ có một lớp “tinh hoa” để đem “tỉ thí” các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và hướng đến mục tiêu đậu vào ĐH những trường tốp trên. Các lớp không chọn khác vẫn cứ học đều đều, còn lớp lựa - tên gọi của lớp có HS trung bình, yếu thì trước sau như một, không tha thiết gì tiến bộ, đổi thay vì HS nhìn qua nhìn lại ai cũng như mình… 

Hệ lụy dễ thấy nhất là môi trường GD trong một lớp không đa dạng, mất cân đối vì lớp này toàn HS giỏi còn lớp kia chỉ có HS trung bình, yếu. HS giỏi lại càng giỏi thêm, HS yếu học tập trong môi trường các bạn đều như nhau, không ai hơn ai nên mất đi tính cầu tiến và phấn đấu… 

Thầy Trần Quốc Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Minh Quang, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang, cho biết: “Nếu tổ chức các lớp chọn theo kiểu giỏi riêng, dở riêng thì rất khó trong việc phân công GV phụ trách. Đặc biệt các lớp yếu thì GV rất ngại nhận vì áp lực dạy học, chất lượng GD thấp làm ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của GV… Ngoài ra phân chia theo lớp chọn, lớp không chọn làm cho HS phân biệt nhau, gây nên tâm lý HS lớp chọn là HS giỏi, HS lớp không chọn là HS dở… Đã là môi trường GD, trong một nhà trường mà có sự phân biệt sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến thầy cô giáo và các em HS...”. 

Đối với HS, vào các lớp chọn là niềm mơ ước không chỉ riêng bản thân mà còn của gia đình. Tuy nhiên cái gì cũng có cái giá của nó - đồng nghĩa với danh hiệu HS lớp chọn thì áp lực luôn song hành. Áp lực ấy xuất phát từ sự kỳ vọng của mọi người xung quanh, từ khối lượng bài vở và kiến thức phải dung nạp, từ sự cạnh tranh thứ hạng trong cùng một lớp… N.V.T - một HS lớp chọn tâm sự: “Xung quanh em toàn là HS giỏi, các bạn giỏi đủ thứ… Áp lực lắm chứ, có khi căng thẳng quá em nhìn đâu cũng thấy toàn là đối thủ!”. 

Theo thầy Lê Văn Sơn, GV môn Lịch sử trường THPT Nguyễn Minh Quang, khi có các lớp chọn, nếu lớp HS yếu kém bị phân ra riêng sẽ không có hạt nhân làm nòng cốt trong lớp, thiếu những HS giỏi để các em khác phấn đấu và thi đua với nhau. Đồng ý với việc cần phải có phân loại HS trong nhà trường, đặc biệt là bậc THPT, nhưng phân loại với mức độ vừa phải, hợp lý và cân đối, không gom HS giỏi và một lớp, HS yếu vào lớp riêng…

Để lớp chọn phát triển đúng nghĩa

Không thể phủ nhận mặt tích cực của lớp chọn trong trường phổ thông, đặc biệt HS những trường chuyên, lớp chọn thời gian qua đã góp công sức không nhỏ vào thành công trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia và quốc tế… Nếu trường làm được việc phân loại HS một cách chính xác và tiến hành phân công GV có năng lực, tâm huyết để phụ trách sẽ phát huy vai trò lớp chọn. Từ đó nhà trường chủ động biết được những lớp HS trình độ ở mức khá, giỏi sẽ đầu tư để các em hướng đến mục tiêu vào ĐH, CĐ. Những lớp có HS trung bình, yếu thì mục tiêu hướng đến là bậc CĐ, TCCN, trường nghề… 

Một GV từng là người trong cuộc chia sẻ rằng: Tôi đã từng nhìn thấy ánh mắt buồn ngủ của những em HS giỏi phải chờ tôi giảng giải những kiến thức đơn giản cho các em HS yếu. Bản thân tôi cũng vậy, ở những lớp chọn, GV chủ yếu hướng dẫn HS cách tự học và đào sâu kiến thức. Còn ở những lớp thường, GV chỉ mong sao HS nắm được kiến thức cơ bản là mừng lắm rồi! 

“Khi xác định được đối tượng trong lớp học, GV sẽ chủ động hơn trong cách soạn giáo án, giảng dạy và truyền đạt kiến thức một cách phù hợp nhất. Năm nay khi tuyển sinh vào lớp 10, trường tôi có phân ra 1 lớp có trình độ khá hơn so với các lớp khác, riêng các lớp còn lại trình độ HS đồng đều, không chênh lệch, có HS giỏi, khá, trung bình và HS yếu. Do có sự quan tâm, đầu tư như nhau nên số HS tham gia các kỳ thi HS giỏi và đạt giải ở các lớp không hề thua kém nhau…”, thầy Trần Quốc Tuấn cho biết. 

Mặt khác có nhiều ý kiến cho rằng các lớp chọn nên phát triển trong các trường chuyên và các trường phổ thông chất lượng cao. Theo đó nguồn tuyển đầu vào có chất lượng và trình độ HS khá đồng đều, khi tiến hành các lớp chọn theo đúng nghĩa của nó sẽ góp phần rất lớn trong việc cung cấp HS có chất lượng, có trình độ. Lớp chọn được xem như lớp cho những HS đủ năng lực và phù hợp năng khiếu vào học. Nhiều nhà giáo chia sẻ nếu không có trường chuyên, lớp chọn thì liệu những HS có năng khiếu đặc biệt sẽ đi đâu? Làm sao có đủ nguồn để chúng ta có những đội tuyển HS giỏi thi đấu với các nước khác? Chúng ta vui mừng khi nghe HS Việt Nam giành chiến thắng trên đấu trường Olympic quốc tế thì không thể phủ nhận vai trò của trường chuyên, lớp chọn...

Lập các lớp chọn không phải trường nào cũng làm được, những trường có nguồn HS đầu vào khá giỏi, có chất lượng và tổ chức tốt sẽ phân loại tốt và vực dậy chất lượng, HS yếu sẽ tiến bộ. Nếu không khéo sẽ gây xáo trộn lớn trong nhà trường và tình trạng HS yếu lại càng yếu thêm… Ảnh hưởng lớn nhất của lớp chọn theo kiểu phân HS giỏi riêng, HS yếu kém riêng là ngay trong môi trường GD mà có sự phân biệt nên HS ra xã hội cũng mang tâm lý này. Những em HS yếu thường mất niềm tin, mặc cảm còn HS giỏi không khéo sẽ bị “bệnh sao” và chủ quan…

Thầy Trần Quốc Tuấn– Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ